Doanh số bán lẻ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm mạnh trong tháng Chín - một tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu kém đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của 18 nước Eurozone nói riêng và của cả châu Âu nói chung.
Cụ thể, theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), doanh số bán lẻ của Eurozone đã giảm 1,3% trong tháng Chín vừa qua.
Đáng chú ý là Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, lại chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất khi doanh số bán lẻ giảm tới 3,2% trong tháng Chín.
Xếp sau đó là Bồ Đào Nha, nền kinh tế vừa thoát khỏi chương trình cứu trợ quốc tế hồi đầu năm nay sau khi thực hiện một loạt biện pháp cải cách kinh tế khắc nghiệt.
Còn tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, doanh số bán lẻ trong cùng kỳ cũng giảm 0,7%.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại các nền kinh tế nhỏ hơn thuộc Eurozone như Malta, Luxembourg và Áo lại gia tăng.
Nhu cầu tiêu dùng vốn là động lực chính thúc đẩy kinh tế Eurozone, và việc thu hút người dân quay lại các cửa hàng là yếu tố then chốt giúp khu vực này trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau nhiều năm chìm trong cuộc khủng hoảng nợ.
Trong năm qua, doanh số bán lẻ của Eurozone chỉ tăng nhẹ 0,6%.
Triển vọng kinh tế Eurozone còn trở nên u ám hơn khi khảo sát mới đây cho thấy hoạt động của khu vực tư nhân tại Eurozone cũng đang bị mất đà.
Theo tính toán của Markit, chỉ số quản lý sức mua về sản lượng tổng hợp (là mức trung bình giữa chỉ số sản lượng chế tạo và chỉ số hoạt động dịch vụ) của Eurozone đứng ở mức 52 trong tháng Mười, thấp hơn mức dự kiến là 52,2./.