Độc đáo di sản lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao

Độc đáo di sản quốc gia lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao

Lễ Cấp sắc - một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao - và những làn điệu Páo dung thiết tha, trầm bổng của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Độc đáo di sản quốc gia lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao ảnh 1Lễ Cấp sắc của người Dao quần chẹt. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung của người Dao.

Lễ cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao tỉnh Tuyên Quang.

Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng như thầy cúng, ông mối làng.

Lễ cấp sắc chỉ được tiến hành một lần duy nhất trong đời.

Trong lễ cấp sắc người thanh niên Dao được giáo dục luân thường, đạo lý truyền thống dân tộc thông qua những lời răn dạy của Bàn Vương, tổ tiên dòng họ và cộng đồng.

Lễ cấp sắc của người Dao gồm có nhiều nghi lễ như lễ đặt tên âm, lễ cấp sắc 3 đèn, lễ cấp sắc 7 đèn, lễ cấp sắc 12 đèn và lễ tơ hồng. Lễ cấp sắc có rất nhiều nghi lễ như lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên...

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hằng năm.

Hát Páo dung là điệu hát dân ca của dân tộc Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất được thể hiện trong những làn điệu Páo dung chính là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương.

Nhiều nội dung sâu sắc được chuyển tải trong những làn điệu dân ca, đề cập sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa và trong lao động sản xuất.

Ở từng nhóm người Dao khác nhau, điệu Páo dung cũng có sự khác nhau trong biểu diễn như ở người Dao Quần trắng, Áo dài ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn là âm điệu kéo dài, trầm; ở người Dao Đỏ, Dao Tiền ở huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Dao Quần chẹt ở huyện Sơn Dương lại có làn điệu bổng.

Các làn điệu Páo dung của người Dao đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.

Hát Páo dung được chia thành các loại hình như hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng-phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng…

Hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các cấp ngành, huyện Na Hang cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhận thức sâu sắc rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản phi vật thể quốc gia nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung của người Dao là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Phải tổ chức các hoạt động để nghệ nhân có thể truyền dạy nghệ thuật hát Páo dung cho hạt nhân văn nghệ cơ sở bằng nhiều hình thức và phương pháp hiệu quả, phù hợp.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến và quảng bá ý nghĩa cũng như giá trị văn hóa của hát Páo dung và lễ cấp sắc của người Dao qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Như vậy, tính đến nay, tỉnh Tuyên Quang có bốn di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là nghi lễ hát Then, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; hát Páo dung và nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao.

Cũng trong dịp này, huyện Na Hang tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 2 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục