Người Mông ở Hà Giang chiếm khoảng gần 32% dân số toàn tỉnh, tập trung đông nhất tại 4 huyện vùng cao phía Bắc gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc
Dân tộc Mông là dân tộc có một đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú và đa dạng, tạo nên truyền thống văn hóa Mông với rất nhiều nét đặc sắc.
Bà con người Mông đặc biệt yêu thích "Hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa Xuân" mà tiếng Mông gọi là "Gầu Tào." Đây là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mà bên cạnh phần lễ, phần hội bộc lộ rõ bản sắc văn hóa dân tộc Mông qua các sinh hoạt cộng đồng.
"Gầu Tào" là một lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông với mục đích là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho gia đình sự sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho những người dân trong bản Mông một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng.
Vào dịp mở lễ hội Gầu Tào cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông trong bản đi làm ăn, đi công tác xa nay có dịp về hội tụ với gia đình, người dân và về với bản làng để tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một Năm mới, vào một mùa vụ canh tác, sản xuất chăn nuôi mới.
Thời gian mở hội Gầu Tào thường trong khoảng từ ngày mồng 1 Tết đến ngày 15 tháng Giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức vào 9 ngày.
Tuy nhiên, du khách vẫn có thể tham gia không khí náo nức của hội Gầu Tào ngay trong tháng Chín này tại huyện miền núi Hoàng Su Phì nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang.
Ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì cho biết những năm gần đây, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông xã Tả Sử Choóng được tổ chức như một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với huyện Hoàng Su Phì.
Đồng bào tổ chức lễ hội vào những ngày đầu tháng Chín - thời điểm lúa đang bắt đầu chuyển vàng, mở màn cho chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.”
Lễ hội Gầu Tào của người Mông nói chúng thường có 2 phần lễ và phần hội. Hội thường được Ủy ban Nhân dân các địa phương tổ chức tại tất cả các làng, các huyện nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Khi tổ chức lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức trên một khu đất đồi tương đối bằng phẳng để thuận lợi cho việc đi lại, vui chơi. Lễ hội Gầu Tào có thể do một gia đình, một dòng họ hay một làng bản đứng ra tổ chức.
“Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời.” Việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, dân tộc, tăng cường quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của Hà Giang cũng như huyện Hoàng Su Phì.
Trong lễ hội, đầu tiên người dân phải chọn và dựng được một cây gỗ (thường là cây sa mộc) làm cây nêu và được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất.
Cây nêu được chọn phải không cụt ngọn, nghĩa là cây nhỏ, liền mạch từ gốc đến ngọn, không bị gãy. Ngọn cây nêu phải hướng về hướng Đông, là hướng sinh với mong muốn của người Mông là cầu sinh con và mùa màng bội thu.
Cùng đó, bà con chuẩn bị một bó đậu tương có quả, một bó lúa, một chai rượu và một con gà là những đồ lễ được treo lên cây nêu. Sau khi cúng xong, mọi người sẽ trèo lên cây; ai lấy được con gà, chai rượu thì đó là phần thưởng.
Đồng bào Mông luôn tin rằng, cây nêu có thể giúp họ kết nối trời và đất. Leo được lên ngọn nêu, nghĩa là hái được lộc trời cho cả năm mạnh khoẻ, sung túc; người người trong làng đều khỏe mạnh, mùa màng bội thu.
[Những nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái]
Đây là truyền thống văn hóa lâu đời gắn với sản xuất lúa nước của người dân vùng cao Hà Giang, phản ánh sự gắn kết tự nhiên và thần linh của đồng bào.
Khi cây nêu đã được dựng lên là lúc bắt đầu lễ hội. Cuộc thi leo cây nêu hái lộc cũng được thực hiện ngay sau đó. Cuộc thi không quy định thời gian, khi nào với được miếng vải đỏ trên ngọn cây là kết thúc nhưng bắt buộc phải lấy bằng được trong ngày.
Đó không chỉ là niềm vui của người trực tiếp trèo lên được đỉnh ngọn cây nêu, lấy được lễ vật của thần linh mà còn là của tất cả người Mông tham dự lễ hội.
Sau phần lễ, phần hội là các tiết mục văn nghệ dân gian, các hoạt động thể thao và trò chơi truyền thống gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông như: đánh yến, đánh sảng, bắn cung, đi cà kheo, đánh cù, bắn nỏ…
Ở phần lễ, trước đó gia chủ trồng một cây nêu (cây trúc hoặc cây mai), trên thân cây có dán giấy đỏ hoặc vàng; cắt hình nhân treo lên ngọn cây nêu.
Vào lễ, gia chủ chuẩn bị một mâm cúng gồm 1 chiếc đầu lợn, 1 đôi gà trống mái tất cả đều được luộc chín; cùng với một bát cơm, quả trứng, đĩa xôi, một bó lúa, một bó bắp ngô và chút hương, giấy bản... để tạ ơn trời đất, thần linh đã cho gia đình, làng bản mạnh khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Sau khi gia chủ hoặc thầy mo, trưởng bản làm những thủ tục lễ bái, tất cả bà con trong bản đều đến tập trung đông đủ.
Sau khi làm lễ tạ ơn trời đất, thần linh xong, nhân dân trong bản mới tổ chức ăn uống chúc tụng nhau. Sau khi gia chủ làm xong các thủ tục quan trọng thì mới chuyển sang phần hội.
Trong hội Gầu Tào thì phần hội là vui nhất với rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn của dân tộc Mông, tiêu biểu như đánh yến, đánh sảng, đánh cù, đấu võ, đua ngựa, bắn nỏ, múa khèn, thổi sáo, chọi chim, chọi gà, thi hát đối giao duyên....
Hội thi hấp dẫn nhất và cũng là nơi để các chàng trai Mông trổ tài múa khèn. Trong phần thi này, những người tham gia dự thi phải thực sự tài năng, vì phải vừa thổi khèn, vừa làm các động tác như lộn, quay tròn, đá chân trồng chuối, nhảy lên cọc và đặc biệt là động tác múa khèn chống đầu lên đòn gánh bắc ngang chảo thắng cố đang sôi sùng sục.
Lôi cuốn nhất và cũng thu hút nhiều người tham gia nhất trong lễ hội Gầu Tào là thi hát đáp, hát ống. Ở phần thi này chủ yếu là nam, nữ thanh niên người dân tộc Mông.
Họ hát đối đáp cho đến khi có một người thua mới thôi. Nếu người nào thua thì sẽ phải có quà cho người thắng cuộc, quà thường là một cây sáo, hay cây khèn, một chiếc đàn môi hay cũng chỉ là một chiếc khăn tay.
Qua hội thi này, những chàng trai, cô gái thường sẽ nên duyên và tìm thấy hạnh phúc trăm năm./.