Độc đáo phong tục ngày Tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam

Tục gọi hồn của người Thá; tục vỗ mông của người H’Mông, tục “bắt chồng” ở Tây Nguyên hay đi ăn trộm lấy may của người Lô Lô... là một số phong tục ngày Tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Độc đáo phong tục ngày Tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam ảnh 1Phụ nữ người Mường đánh chiêng đón mừng năm mới. (Ảnh minh họa: Trung Kiên/TTXVN)

Lễ Tết ra đời và tồn tại cùng với lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng trong đời sống xã hội. Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa với các phong tục tập quán riêng biệt.

Không chỉ đặc sắc về ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, lối sống, sinh hoạt, những phong tục độc đáo để chào đón Tết Nguyên đán của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn mang nhiều ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà vẫn giữ nguyên được bản sắc. Chính những nét riêng độc đáo đó đã làm nên một trong bức tranh toàn cảnh Tết của Việt Nam.

Đặc sắc tục gọi hồn của người Thái

Mặc dù cùng là Tết Nguyên đán nhưng người Thái lại có cả một mùa lễ hội kéo dài từ ngày 25 tháng Chạp cho đến mùng 10 tháng Giêng.

Nhắc đến phong tục ngày Tết của người Thái, không thể không nhắc đến phong tục gọi hồn. Diễn ra vào tối ngày 29 và 30, mỗi gia đình thịt 2 con gà, một để cúng tổ tiên, một là để gọi hồn cho mọi người trong nhà.

Để gọi hồn, thầy cúng lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một cây củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa.

[Podcast] Khám phá phong tục ngày Tết của một số dân tộc Việt Nam

Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu đứt thì chủ nhân dễ bị ốm. Vào đêm ngày 30, sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc..., gia đình nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà.

Người Thái còn có tục “Pông Chay” vào đêm giao thừa, tức là mọi người sẽ không ngủ mà cùng quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị một món ăn nào đó hoặc đơn giản là chuyện trò với nhau để trải qua khoảnh khắc thiêng liêng ấy.

Vào đêm giao thừa, cả nhà thường không ai ngủ, đèn luôn thắp sáng, hương nhang không được tàn. Các thành viên trong gia đình ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá... Thỉnh thoảng chủ nhà sẽ đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.

Đúng thời khắc giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm..., hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu."

Sáng mùng 1, các gia đình sẽ ra suối để lấy nước mát về mong may mắn cả năm. Và đến chiều, tất thảy già trẻ gái trai đều gội đầu để gột trôi hết mọi xui xẻo, vất vả của năm cũ, đón chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Tục vỗ mông của người Mông

Người Mông luôn giữ cho mình những phong tục tập quán riêng trong dịp Tết Âm lịch. Đáng chú ý nhất là lễ hội cầu phúc Sải Sán diễn ra vào mùng 2 tết. Trong đó tục “vỗ mông” cũng được coi là nét văn hóa tiêu biểu của người Mông.

Độc đáo phong tục ngày Tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam ảnh 2Các cô gái người Mông trong trang phục truyền thống du Xuân, đón Tết. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Vào ngày này, trai gái khắp thôn bản tìm đến nhau hay chọn bạn đời cũng đều bằng tục kỳ lạ này.

Theo tập tục này, khi đi du Xuân tại chợ hay dưới chân núi, nếu chàng trai nào ưng ý một cô gái, anh ta sẽ tiến tức vỗ vào mông người đó. Cô gái được chọn nếu cũng vừa lòng thì sẽ vỗ lại vào mông “đối tác” lần nữa. Cứ thế, cả hai sẽ vỗ qua vỗ lại cho đủ 9 lần tức là cả hai bên đã chấp thuận và chỉ còn đợi ngày kết duyên thành vợ chồng.

Tục “bắt chồng” ở Tây Nguyên

Nếu như các dân tộc vùng núi phía Bắc có tục “bắt vợ” thì các dân tộc ở Tây Nguyên có tục “bắt chồng." Khi Tết Nguyên đán đến, đồng bào các dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Tây Nguyên vào mùa lễ hội bắt chồng.

Theo tục lệ của buôn làng, khi đã thích một chàng trai nào đó, cô gái sẽ bày tỏ nguyện vọng với gia đình. Khi màn đêm buông xuống, cô gái cùng 10 người thân trong gia đình sẽ mang theo lễ vật đến nhà chàng trai. Lễ vật sẽ tùy vào gia cảnh của nhà gái. Khi tới nhà trai, cậu ruột của cô gái sẽ đại diện đoàn thưa gửi tâm nguyện với bên nhà trai. Nếu cha mẹ chàng trai đồng ý thì sẽ gọi con trai đến và hỏi ý kiến trước khi gả cho nhà gái.

Khi đã nhận được sự đồng thuận của cả 2 bên, cô gái sẽ tặng khăn mình tự đan cho chàng trai và hai người chính thức thành vợ chồng. Lễ kết hôn sẽ diễn ra ngay sau đó, trong khi diễn ra lễ, chàng trai và cô gái sẽ trùm chung một chiếc khăn. Cuối cùng, khoảng từ 1-2 giờ sáng, cặp vợ chồng sẽ được đưa về nhà gái và nên duyên từ đây.

Trong trường hợp chàng trai không đồng ý cô gái từ lần đầu tiên hỏi cưới thì cô gái sẽ quay lại nhà chàng trai 7 ngày sau đó đến khi nào lấy được mới thôi.

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may

Người dân tộc Lô Lô quan niệm rằng thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì cho năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Do đó, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hay lấy những vật có giá trị.

Người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn người Lô Lô ở Mèo Vạc thì số may mắn là số 3, có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau.

Điều thú vị là khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.

Người Pà Thẻn và phong tục thờ bát nước lã

Pà Thẻn là một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi của Hà Giang. Điểm độc đáo trong bàn thờ của người Pà Thẻn là luôn xuất hiện một bát nước lã luôn đầy được đậy kín để thờ cúng trong năm. Nếu nước vơi đi thì phải đợi đến tháng 6 chủ gia đình mới mở bát và chế thêm nước cho đong đầy.

Đêm giao thừa tất cả các cửa trong nhà đều được đóng kín và bịt hết lỗ thoáng rồi chủ nhà sẽ dùng nước trong bát đó để lau chùi sạch sẽ và thay lượt nước khác để đón chào năm mới. Mọi hành động trên đều diễn ra bí mật, nếu trót bị lọt ra ngoài thì cả nhà sẽ gặp xui xẻo, vận hạn trong năm tới.

Gọi trâu về ăn Tết của người Mường

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hòa Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.

Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình, về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Họ quan niệm con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Người Dao với phong tục Tết nhảy

Với quan niệm ngày Tết, mùa Xuân là dịp để bà con buôn làng vui chơi, thăm hỏi và chúc nhau một năm mới tốt lành nên ở các tộc người Dao đã xuất hiện tục Tết Nhảy để thể hiện hết những mong ước trên.

Độc đáo phong tục ngày Tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam ảnh 3Phụ nữ người Dao trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

Không chỉ mang đến một năm mới tràn ngập sức sống, Tết Nhảy còn giúp người Dao được dịp rèn luyện thể chất dẻo dai, cơ thể săn chắc để chuẩn bị cho những vụ mùa mới đang chờ đợi ở phía trước.

Những người tham gia Tết Nhảy sẽ tham gia hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Mỗi dịp Tết Nhảy, mọi người sẽ múa, nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chuông, trống rộn rã sức Xuân…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục