Chia sẻ tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam ngày 7/4, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, cho hay để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon năm 2050, đòi hỏi vốn đầu tư tăng 33%, dẫn tới giá điện trung bình tăng tương ứng 30%.
Tăng vốn đầu tư, tăng giá điện
Theo ông Cường, để hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, cơ cấu nguồn điện thay đổi rất nhiều. Điều này đồng nghĩa với giá điện tăng lên khoảng 30% so với kịch bản cơ sở thông thường.
Với kịch bản Net Zero, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Mà nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện.
Cụ thể, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo tăng dần, năm 2020 đạt 25%, năm 2030 đạt 32%, năm 2045 đạt 58%. Tuy nhiên, ông Cường nhấn mạnh, điều này đồng nghĩa với gánh nặng đầu tư rất lớn cho quốc gia.
Lý giải điều này, ông Cường cho biết nguồn điện năng lượng tái tạo là những nguồn điện gián đoạn do phụ thuộc thời tiết, nên cứ xây dựng 1 MW điện mặt trời chúng ta phải xây dựng thêm 1 MW pin lưu trữ, để dự phòng những thời điểm nguồn điện này không khả dụng. Một điểm khác nữa, điện than có thể phát quanh năm với số giờ vận hành công suất cực đại (Tmax) là 6.000h, nhưng điện gió chỉ có Tmax là 3.000h.
“Có nghĩa, bỏ 1.000 MW điện than thì tương đương với việc phải xây thêm 2.000 MW điện gió mới bù được công suất hụt này và cũng tương đương với việc xây thêm 4.000 MW điện mặt trời,” ông Cường nói và lý giải thêm, đó là lý do tại sao, khi vào xây dựng điện năng lượng tái tạo thì cần công suất rất lớn...
Ngoài ra, cũng theo ông Cường, công suất năng lượng tái tạo cần rất lớn còn do khu vực tiềm năng của năng lượng tái tạo lại ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Theo tính toán, xây dựng nguồn điện gió ở miền Nam hiệu quả hơn nhiều ở miền Bắc, bởi khu vực Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), có gió tốt nhất miền Bắc, nhưng chỉ đạt Tmax 3.000h, trong khi miền Trung đạt Tmax 4.200h.
“Do đó, chấp nhận xây đường dây truyền tải để đưa điện ra miền Bắc còn rẻ hơn xây dựng các dự án điện gió miền Bắc,” ông Cường khẳng định và cho biết, điều này dẫn đến nhu cầu nâng cao công suất truyền tải từ miền Trung và miền Bắc lên 5GW đến năm 2035, 10GW đến năm 2040. Tất cả những thách thức trên khiến vốn đầu tư cho phát triển điện lực tăng cao.
[COP26: Việt Nam hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050]
Cụ thể, nếu đầu tư thông thường giai đoạn 2021-2045 cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư nguồn và lưới, nhưng theo kịch bản Net Zero sẽ tăng lên 33%, tương ứng mức đầu tư khoảng 532 tỷ USD (mỗi năm tăng 5 tỷ USD).
Đây là thách thức lớn cho nền kinh tế. Do đó, ông Cường cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho hạ tầng nguồn - lưới điện, mới cung cấp đủ điện. Chính phủ cũng đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi cho phép tư nhân tham gia.
Khó thu xếp vốn
Theo chia sẻ của ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, việc thu xếp vốn hiện nay gặp nhiều khó khăn do chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án hạ tầng năng lượng.
“Các Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhiều tổ chức tín dụng quốc tế khác hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt than. Các nguồn vốn ưu đãi (ODA) nước ngoài để đầu tư các dự án điện cũng rất hạn chế. Trong khi, việc thu xếp các nguồn vốn trong nước gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan,” ông Hiếu nói.
Còn về khó khăn trong phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, ông Hiếu cho rằng, đó là cơ chế giá. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn...).
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.
Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện,” ông Hiếu cho hay.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, công nghệ năng lượng nối chung và điện năng lượng tái tạo ngày càng phát triển, chi phí sản xuất điện từ nguồn công nghệ mới ngày càng cạnh tranh so với nguồn năng lượng truyền thống.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng các dự án điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch như điện than, dầu, khí dự kiến sẽ có nhiều rủi ro về cung cấp nguyên liệu do Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, phụ thuộc vào biến động bất thường của nguồn nguyên liệu quốc tế.
Trong bối cảnh đó, điện năng lượng tái tạo được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới, không chỉ góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý; mang lại hiệu quả cao cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, dịch vụ, gia tăng việc làm; tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để có thể huy động năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển đặt ra, Bộ Công Thương đang nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và phát triển cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, ông Hùng cho hay tiến tới sửa đổi bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế chính sách về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối; trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu đẻ thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, thị trường đã thay đổi, để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi vê công nghệ của thị trường thế giới.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng để hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện môi trường, Bộ Công Thương và EVN sớm ban hành chính sách về giá điện trong thời gian tới, đảm bảo minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam; nghiên cứu lại hợp đồng mẫu, không để quyền từ chối mua điện trên các hợp đồng mẫu./.