Đổi mới - Công trình sáng tạo của Đảng nâng vị thế đất nước

Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị thế đất nước trên trường quốc tế đã không ngừng được nâng cao.
Đổi mới - Công trình sáng tạo của Đảng nâng vị thế đất nước ảnh 1Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thực tiễn cho thấy, không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công cuộc đổi mới, không có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có được công cuộc đổi mới theo định hướng đúng đắn.

Công cuộc đổi mới là sự lựa chọn khoa học và cách mạng nhằm mục tiêu phát triển đất nước, trước hết là phát triển kinh tế, là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam được đánh dấu từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986).

Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế.

Đây là một bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền đề lý luận cho việc triển khai đồng bộ và nhất quán các giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là giải pháp cải cách kinh tế để giải phóng sức sản xuất, thực hiện sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt thời gian dài trước đổi mới, Việt Nam duy trì quá lâu nền kinh tế hiện vật, kế hoạch, phi hàng hoá, phi thị trường, mặc dù trong giai đoạn lịch sử trước đây nền kinh tế này có vai trò nhất định trong việc động viên sức người, sức của cho chiến tranh giải phóng, nhưng đã trở nên bất cập, kìm hãm sự phát triển trong điều kiện mới.

Nền kinh tế Việt Nam đứng trước yêu cầu phải đổi mới về mọi mặt từ cơ cấu kinh tế đến cơ chế kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với kinh tế, tổ chức bộ máy, phương thức và phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng phải thay đổi. Do đó, đổi mới là tất yếu vừa để đón kịp thời cơ, vừa chủ động chấp nhận và vượt qua thách thức để phát triển.

Đổi mới, do đó cũng là mở đường cho những nhận thức sáng tạo, thúc đẩy mọi hành động tích cực, năng động sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội và dân chủ hóa đời sống xã hội.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng.

Nếu như ở giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân năm chỉ đạt 4,4%; giai đoạn 1991-2000, GDP tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 GDP bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010 do suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 6,32%/năm.

Do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đã chậm lại trong các năm tiếp theo, giai đoạn 2011-2013, GDP tăng bình quân 5,6%/năm. GDP năm 2014 tăng 5,98%.

Đặc biệt, GDP bình quân đầu người không ngừng tăng, đưa Việt Nam ra khỏi nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình.

Không chỉ có vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và kiên định còn đường xã hội chủ nghĩa, gần 30 năm qua, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Đường lối đổi mới của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc ban hành Hiến pháp năm 1992 thay thế Hiến pháp năm 1980 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có điểm mới tiến bộ so với Hiến pháp năm 1992 là quy định quyền tự do kinh doanh trong từng ngành nghề mà pháp luật không cấm; thể hiện rõ hơn bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng đã đưa đất nước và nhân dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, có một số mặt đạt trình độ của các nước phát triển trung bình.

Việt Nam đã hoàn thành phần lớn mục tiêu thiên niên kỷ cam kết trước cộng đồng quốc tế. Hầu hết các mục tiêu do Liên hợp quốc đặt ra cho năm 2015, Việt Nam đã đạt và vượt vào năm 2008.

Sau gần 30 năm vượt qua các thử thách và khó khăn to lớn, tiến hành công cuộc đổi mới trên mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội..., đến nay, Việt Nam có đủ cơ sở để khẳng định rằng đổi mới đất nước là sự lựa chọn đúng đắn, đã đặt Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới về chất, phù hợp với xu thế của thời đại và với ý nguyện của nhân dân.

Công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Trải qua gần 30 năm phấn đấu bền bỉ, phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, công cuộc đổi mới đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Ðời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị-xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục