Hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 28/2, tại Hà Nội đã thu hút nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, đông đảo người yêu văn học tham dự.
Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, góp phần đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam.
Gần 20 tham luận gửi tới hội thảo đưa ra nhiều ý kiến về tiểu thuyết, cách nhìn về đổi mới tư duy tiểu thuyết, kinh nghiệm, các hình thức cũng như lực lượng tham gia hoạt động đổi mới này. Trong đó, hầu hết các ý kiến cho rằng khác với truyện ngắn, những thể loại văn học khác, tiểu thuyết cần một cường độ lao động đặc biệt. Viết tiểu thuyết thật sự là cuộc vật lộn đi tìm cái đẹp bởi tiểu thuyết không hề có mô hình có sẵn. Đổi mới tư duy tiểu thuyết chính là đổi mới tư duy của người viết, là lấy con người để làm đích cuối cùng cho mọi sáng tạo nghệ thuật.
[Ngày thơ Việt Nam Xuân Mậu Tuất 2018 có nhiều điểm mới]
Thông kê sơ bộ qua 5 lần phát động, cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1998 đến nay) đã có gần 1.000 tiểu thuyết được in hoặc đang trong dạng bản thảo. Nhưng thực tế, sau gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết tuy tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng nghệ thuật.
Cho rằng tiểu thuyết đương đại Việt Nam (sau năm 1975) là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình chuyên khảo, tiểu luận, phê bình, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ rõ ràng tiểu thuyết đương đại Việt Nam được quan tâm một cách thích đáng bởi thực tiễn sáng tác tiểu thuyết hết sức phong phú - nó là một đối tượng còn tiếp tục được nghiên cứu với tư cách quan trọng của văn học, một hình thức đặc biệt có khả năng lưu giữ hình ảnh lịch sử, chứng tích tâm hồn người Việt trong một giai đoạn phát triển xã hội chưa từng thấy.
Theo nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thế Quang, đi mới là nhu cầu cấp thiết của cuộc sống cũng như của hoạt động sáng tạo nghệ thuật và người tiếp nhận. Riêng tiểu thuyết lịch sử - một bộ phận ngày càng có nhiều thành tựu, nhiều độc giả - nhu cầu đổi mới càng đòi hỏi cao hơn, đặt ra nhiều vấn đề cần được xem xét, trao đổi.
Là một tiểu thuyết gia, ông Nguyễn Thế Quang cho rằng điều quan trọng mà các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình cần tìm hiểu đó là sự tiếp nhận của người đọc với những đổi mới trong tiểu thuyết; khảo sát yêu cầu thẩm mỹ của người đọc là cách đánh giá thành tựu của nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình chính xác nhất, giúp họ hoàn thiện, nâng cao tầm vóc lý luận, sáng tạo nghệ thuật tốt hơn, góp phần đưa nền Văn chương của nước nhà khởi sắc hơn.
Cùng chung quan điểm trên, từ cuốn sách của mình, tác giả “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”- nhà văn Trần Mai Hạnh cho rằng một tiểu thuyết lịch sử ra đời sẽ chịu sự phát xét của dư luận về giá trị văn học và giá trị lịch sử của nó. Đạt được sự hài hòa giữa hai giá trị này trong tác phẩm là mong ước của bất cứ nhà văn nào.
Nhìn nhận, đánh giá sự kiện lịch sử, xây dựng tác phẩm văn học lấy đề tài từ các sự kiện lịch sử, người viết cần dựa trên những nguyên tắc: Tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử; chinh phục niềm tin của người đọc; viết về đề tài lịch sử đương đại phải rất khắt khe về sự thật./.