Dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019, lan rộng trên toàn cầu đã khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng đã thúc đẩy sự hình thành, phát triển một hệ sinh thái xúc tiến thương mại mới dựa trên nền tảng công nghệ và mang lại những kết quả rất khả quan.
Để thích nghi với những khó khăn, bất lợi do dịch COVID-19 gây ra, các cơ quan, đơn vị và cả hiệp hội ngành hàng đã chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi hình thức xúc tiến, kết nối mới.
Giao thương bị “đóng băng”
Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh ở hầu hết các quốc gia; trong đó có Việt Nam. Một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất chính là xúc tiến thương mại khi phải hủy các sự kiện tập trung đông người, việc di chuyển giữa các quốc gia khác nhau, thậm chí các địa phương trong một quốc gia cũng bị hạn chế để ngăn ngừa, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết xúc tiến thương mại bao gồm nhiều nội dung như chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia, thông tin dự báo thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến nổi bật và trực tiếp nhất chính là việc tổ chức và đưa doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế trong và ngoài nước kết hợp với các đoàn giao thương đều không thể tổ chức được do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
[Kỳ vọng nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ hội nhập]
Hàng loạt chương trình quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các ngành hàng trọng điểm như nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm phẩm từ gỗ, thủy sản… trong năm 2020 đều phải hủy hoặc dời lịch tổ chức sang các năm sau.
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam 2020 (Vifa Expo) do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra từ ngày 31/7-6/8/2020 buộc phải hoãn lại dù chuẩn bị đã gần hoàn tất.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch HAWA, chia sẻ các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất chủ yếu tìm kiếm đơn hàng thông qua các hội chợ, triển lãm lớn quy tụ nhiều nhà mua hàng quốc tế. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt hội chợ triển lãm gỗ và nội thất đều bị hủy, doanh nghiệp sản xuất và người mua hàng không có điều kiện gặp gỡ, trao đổi nên việc tìm kiếm khách hàng trực tiếp rất khó khăn.
Một chương trình xúc tiến thương mại lớn khác là hội chợ Triển lãm quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish) 2020 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 8/2020 cũng đã phải dời sang năm 2021.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết: Vietfish là một trong những hội chợ chuyên ngành thủy sản mang tầm cỡ quốc tế, tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thủy sản trong nước và quốc tế, các nhà xuất nhập khẩu, các đơn vị cung ứng thiết bị và dịch vụ phụ trợ, tìm kiếm mở rộng khách hàng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thương mại thủy sản.
Chính vì vậy, hội chợ triển lãm này thu hút lượng lớn khách hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và các đơn vị triển lãm đến từ châu Âu như: Na Uy, Đức, Pháp… thế nhưng tình hình dịch bệnh ở các quốc gia này diễn biến rất phức tạp.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng và hiệu quả của hội chợ triển lãm, Vasep quyết định dời việc tổ chức Vietfish 2020 sang thời điểm thích hợp hơn, khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Ước tính trong năm 2020, đã có gần 50 chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia phải hủy hoặc lùi thời gian thực hiện đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Điều này đã tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung khi doanh nghiệp không có cơ hội xúc tiến xuất khẩu, thiếu thông tin cập nhật về thị trường, gián đoạn quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài.
Xúc tiến thương mại trực tuyến
Đứng trước tình thế khó khăn, các đơn vị làm xúc tiến thương mại đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi hình thức tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thích nghi với điều kiện dịch bệnh.
Bà Bùi Thị Thanh An cho biết ngay từ tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 lây lan ra phạm vi toàn cầu, Cục Xúc tiến thương mại đã nhanh chóng chuyển sang tổ chức các chương trình kết nối giao thương trực tuyến.
Mỗi chương trình sẽ bao gồm phiên toàn thể cung cấp thông tin tổng quan về thị trường, các chính sách về xuất nhập khẩu, cách tiếp cận khách hàng mục tiêu do mạng lưới thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ được kết nối online theo nhóm ngành và đối tác mong muốn để tìm hiểu kỹ hơn về chi tiết sản phẩm cũng như điều kiện để hợp tác.
Đến nay, đã có trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được tổ chức. Qua đó hơn 2.000 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ, kết nối với nhà mua hàng nước ngoài ở nhiều khu vực thị trường khác nhau, từ các nước thành viên EU, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi, Nhật Bản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Để xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các nhà mua hàng quốc tế có văn phòng, hệ thống phân phối tại Việt Nam như AEON, Central Group… tổ chức các tuần lễ sản phẩm Việt Nam. Từ đó, nhiều mặt hàng đã được lựa chọn để cung ứng cho các chuỗi siêu thị nước ngoài tại Việt Nam và từng bước nâng cao tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo sự kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng với doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu. Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhất cả nước. Không chỉ xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại chỗ, thành phố còn là cửa ngõ đưa hàng hóa, nông sản của các vùng khác như Tây nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ra thế giới.
Trước tác động của dịch COVID-19, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã nhanh chóng ứng dụng mô hình xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nền tảng trực tuyến.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, thông tin từ khi các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội nghị đông người bị tạm dừng, toàn bộ nhân lực của ITPC đã chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu sản phẩm thông qua các bản tin của cổng thông tin thương mại điện tử của thành phố. Đồng thời đẩy mạnh việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp cung ứng với người mua trong và ngoài nước thông qua các phiên giao thương trực tuyến.
ITPC cũng kết nối với mạng lưới các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và cả các tham tán thương mại nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh để cập nhật thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hợp tác. Mặc dù hình thức hỗ trợ thay đổi nhưng toàn bộ nội dung thông tin, các vấn đề doanh nghiệp cần hỗ trợ vẫn được cung cấp đầy đủ, kịp thời.
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam những năm gần đây, tuy nhiên do dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng đối mặt với không ít khó khăn khi không có cơ hội tiếp cận khách hàng.
Với mong muốn thoát khỏi tình thế “bế quan tỏa cảng” khi hàng loạt hội chợ,triển lãm ngành gỗ và nội thất trong nước lẫn quốc tế đều bị hủy bỏ, Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) đã nhanh chóng xây dựng nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE (Hawa Online Platform for Exhibition), kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ và nội thất Việt Nam với các người mua hàng quốc tế.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hawa, chia sẻ HOPE là nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến và đón đầu xu hướng phát triển các phương thức tiếp thị số cho ngành nội thất Việt Nam. HOPE được xây dựng và phát triển phù hợp với sự phát triển của chuyển đổi số tại doanh nghiệp qua các hình thức tiếp thị trực tuyến và tiếp thị số.
Vì vậy, HOPE không chỉ là một giải pháp tình thế mà còn là hướng đi lâu dài song hành cùng các hội chợ và kênh tiếp thị truyền thống để nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng từ online đến offline./.
Hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại mới phù hợp kinh tế số