Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em không phải chỉ để đối phó việc xử phạt

Đại diện cơ quan Nhà nước cho rằng, việc đội cho con một chiếc mũ nhỏ bé nhưng chính là nhận thức lớn của phụ huynh học sinh và cộng đồng nói chung khi tham gia giao thông.
Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ban ngành đi bộ kêu gọi toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham giao giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trên các tuyến đường, còn không ít trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy do cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ để giảm chấn thương, phòng tránh tai nạn giao thông.

Vì thế, mỗi bậc phụ huynh hãy coi việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình là một hành động yêu thương chứ không phải chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng xử phạt.

Người lớn đội nhưng con em lại không?

Tại sự kiện đi bộ vận động toàn dân “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em” vào sáng ngày 8/9, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, học sinh là lời cam kết mạnh mẽ về bảo vệ an toàn cho thế hệ tương lai đất nước, chung tay đẩy lùi nỗi đau do tai nạn giao thông

Từ năm 2012 đến nay với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số người chết, số vụ, số người bị thương), từ gần 12.000 người chết/năm đến năm 2018 chỉ còn 8.200 người. Một trong những nguyên nhân quan trọng giảm tai nạn giao thông là chấn thương sọ não chính là nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm.

Nhìn nhận hơn 8.000 người chết tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối thương vong khi không ít trong đó có trẻ em, Phó Thủ tướng cho rằng, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm còn thấp chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích trẻ em.

“Mặc dù tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã tăng từ 35% lên tới 52% thời gian qua nhưng còn không ít trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, nhiều cha mẹ chưa ý thức, thậm chí còn cố tình không đội mũ bảo hiểm khi chở con em. Trên đường, dễ dàng bắt gặp cảnh người lớn đội mũ bảo hiểm nhưng con em thì không,” Phó Thủ tướng nói.

[Tập trung xử lý hành vi chở trẻ em đi xe máy không đội mũ bảo hiểm]

Nhấn mạnh đội mũ bảo hiểm là việc làm cụ thể nhưng vô cùng thiết thực, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành tuyên truyền phổ biến trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, cung cấp kiến thức lái xe cho học sinh sinh viên, góp phần hạn chế đẩy lùi tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Phát động người dân cùng cam kết thực hiện hiệu quả đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, Phó Thủ tướng đề nghị cha mẹ, người lớn thực hiện nghiêm túc đội mũ bảo hiểm, đó là hành xử văn hóa, hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, hướng dẫn cách đội mũ bảo hiểm và kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông; thầy cô giáo thường xuyên trao đổi hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông trong đó có đội mũ bảo hiểm; lực lượng chức năng tuần tra xử lý nghiêm hành vi không đội mũ bảo hiểm theo quy định…

“Mỗi người dân khi tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm cho chính mình và con em, hãy thể hiện nét đẹp xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. Học sinh là lớp công dân đặc biệt, là tương lai của đất nước, tích cực học tập, xây dựng giá trị văn hóa giao thông an toàn là hành trang đi đến tương lai, hãy luôn nhớ đội mũ bảo hiểm khi tham gia xe máy, xe đạp điện. Trẻ em, học sinh luôn đội mũ cho mình và đề nghị ông bà, cha mẹ đội mũ bảo hiểm, chỉ ngồi trên xe khi đội mũ bảo hiểm, đi xe ôtô nhớ thắt dây an toàn,” Phó Thủ tướng cho hay.

Mũ bảo hiểm đồng hành trên mỗi cung đường

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2019 là năm thứ 2 Hà Nội cùng các địa phương được Công ty Honda trao tặng mũ bảo hiểm dành cho học sinh vào lớp 1, đây thực sự là món quà có ý nghĩa rất lớn đối với các cháu học sinh trong ngày đầu tiên đến trường và cũng là bài học về an toàn giao thông thiết thực của các cháu trên con đường đi đến tương lai, qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ ý thức tự giác chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Ông Chung cũng đề nghị các Sở, ban ngành, các cơ quan, phụ huynh học sinh tập trung thực hiện tuyên truyền bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy đặc biệt là đội mũ bảo hiểm học sinh khi tham gia giao thông.

[Trao tặng hơn 1,9 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 toàn quốc]

Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đặc biệt là việc chấp hành đội mũ bảo hiểm đối với học sinh vi phạm, phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục để tránh tái phạm; đổi mới đưa bộ tài liệu "Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh Hà Nội" vào giảng dạy đại trà tại tất cả các trường học, cấp học trên địa bàn thành phố; phụ huynh học sinh nêu gương con em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để giữ trọn ước mơ tương lai.

Khẳng định việc đội cho con một chiếc mũ nhỏ bé nhưng chính là nhận thức lớn của phụ huynh học sinh và cộng đồng nói chung khi tham gia giao thông, ông Chung cho rằng, mỗi chúng ta, mỗi bậc phụ huynh hãy coi việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình là một hành động yêu thương chứ không phải chỉ để đối phó với các lực lượng chức năng xử phạt.

“Chúng ta hãy cùng giữ trọn ước mơ, hãy để chiếc mũ bảo hiểm đồng hành cùng các con trên mỗi cung đường đi học, hãy lan tỏa tinh thần chủ động, trách nhiệm, an toàn lên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, đừng quên đội mũ bảo hiểm,” Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, an toàn giao thông là mối quan tâm của mọi người, mọi nhà. Thời gian qua, tình hình an toàn giao thông vẫn rất phức tạp, đặc biệt một số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản vẫn còn rất lớn.

Đưa ra con số cả nước có 22 triệu học sinh (chiếm 1/4 dân số cả nước) vừa khai giảng năm học mới và khi tham gia giao thông nếu đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn là điều cần thiết, ông Nhạ tin tưởng hy vọng công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tốt hơn về xây dựng văn hóa giao thông, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Ngành giáo dục sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục