Đối tác đánh giá cao vai trò xác nhận độc lập của Kiểm toán Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước không chỉ tập trung vào khía cạnh tài chính, mà xem xét cả các vấn đề tuân thủ và hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết của các bên liên quan vào hoạt động của dự án đầu tư.
Hội nghị Đối tác phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam-năm 2022, ngày 25/3. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị Đối tác phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam-năm 2022, ngày 25/3. (Ảnh: Vietnam+)

Các đối tác phát triển khẳng định vai trò xác nhận độc lập của cơ quan kiểm toán nhà nước là rất quan trọng trong việc thực hiện giải ngân và cung cấp các nguồn lực tài chính cho các dự án.

Kiểm toán nâng cao niềm tin sử dụng vốn đúng mục đích

Tại hội nghị Đối tác phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam năm 2022 ngày 25/3, ông Serdar Yilmaz, Quyền Giám đốc phụ trách Ban Quản trị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán độc lập nhiều dự án do WB tài trợ.

Trong các cuộc kiểm toán đó, Kiểm toán Nhà nước không chỉ tập trung vào khía cạnh tài chính, mà xem xét cả vấn đề tuân thủ và hiệu quả hoạt động của dự án. Điều này rất là hữu ích và góp phần nâng cao hiểu biết của các bên liên quan cũng như các cơ quan quản lý dự án.

“Trong các chương trình giải ngân dựa trên kết quả sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới, vai trò xác nhận độc lập của cơ quan Kiểm toán Nhà nước là rất quan trọng. WB sẽ căn cứ vào đó để thực hiện giải ngân và cung cấp các nguồn lực tài chính cho các dự án,” ông Serdar nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện của WB cho rằng việc Kiểm toán Nhà nước tham gia vào các dự án của Ngân hàng Thế giới, thể hiện nỗ lực điển hình của WB trong việc sử dụng tối đa các nguồn lực quốc gia để quản lý các dự án ODA.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), khẳng định cơ quan kiểm toán góp phần nâng cao niềm tin về việc sử dụng vốn đúng mục đích tại các dự án. Theo ông, lòng tin của xã hội ở mức độ cao là chuẩn mực rất quan trọng và qua đó giúp đất nước phát triển kinh tế.

“Tầm quan trọng chức năng của kiểm toán là góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của khu vực công. Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; thu nhập cao đến năm 2045, đòi hỏi chi tiêu công phải đáp ứng xử lý được các yêu cầu về tài chính và cơ quan Kiểm toán Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này,” ông Andrew trao đổi.

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Chia sẻ với các đối tác phát triển về những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2010-2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh mục đích chính của hội nghị nhằm giới thiệu với các đối tác phát triển về Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 và những hoạt động theo ưu tiên sẽ triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể trong 7 nội dung phát triển của Chiến lược (bao gồm Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao). Người đứng đầu ngành kiểm toán đề nghị các đối tác phát triển ưu tiên hợp tác, phối hợp cùng thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Tổng Kiểm toán Nhà nước đề xuất hợp tác với các bên trong việc tổ chức các khóa đào tạo, khảo sát, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán  tối cao (SAI) có thế mạnh trong các lĩnh vực kiểm toán mới (như kiểm toán công nghệ thông tin; môi trường; biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên-khoáng sản), kiểm toán các lĩnh vực mới nổi (như: Kiểm toán việc ứng phó với đại dịch; kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững; đánh giá chính sách tiền tệ đảm bảo nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững).

“Kiểm toán Nhà nước mong muốn hợp tác hỗ trợ về đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực, từ đó hình thành đội ngũ giảng viên để có thể đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành và hướng tới đủ điều kiện thành lập Học viện Kiểm toán,” ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, với định hướng chuyển đổi từ kiểm toán truyền thống sang kiểm toán từ xa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, Kiểm toán Nhà nước hướng trọng tâm vào hợp tác với các bên liên quan trong việc thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn thiết kế tổng thể hệ thống cấu trúc công nghệ, tư vấn xây dựng cũng như hỗ trợ các phần mềm ứng dụng…

“Kiểm toán Nhà nước cam kết sẽ dành ưu tiên cao nhất trong quá trình hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện các mục tiêu nêu trên cũng như các mục tiêu khác trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 phù hợp với chính sách và ưu tiên hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam,” ông Thanh nói./.

Tại hội nghị, đại diện các đối tác phát triển đã đưa ra nhiều đề xuất về kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Caroline Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng các đối tác phát triển nên hợp tác với nhau để hỗ trợ cho cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, tránh chồng chéo và đem lại những tác động lớn hơn. Theo bà, các hoạt động hỗ trợ từ phía các cộng đồng quốc tế cũng như các đối tác phát triển với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hiện còn chưa nhiều và rất khiêm tốn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.