Đối thoại âm nhạc truyền thống Việt Nam-Phần Lan hướng đến giới trẻ

Với chuỗi chương trình biểu diễn giới thiệu giá trị tinh hoa âm nhạc dân tộc của hai nước, dự án "Đối thoại âm nhạc truyền thống” giữa Việt Nam và Phần Lan cùng hướng đến đối tượng chung là giới trẻ.
Đối thoại âm nhạc truyền thống Việt Nam-Phần Lan hướng đến giới trẻ ảnh 1Hát Then - một loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc... (Ảnh: BTC)

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra dự án “Đối thoại âm nhạc truyền thống giữa Việt Nam và Phần Lan” do Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội và Nhạc viện Vùng Nam Ostrobotnia (Phần Lan) phối hợp tổ chức, kéo dài đến tháng 10/2015.

Với các chuỗi chương trình biểu diễn giới thiệu các giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc của hai nước, cùng các hội thảo trao đổi phương thức và kinh nghiệm, “dự án đối thoại âm nhạc truyền thống” giữa Việt Nam và Phần Lan cùng hướng đến mong muốn truyền bá, gìn giữ, bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống tới giới trẻ.

Tại Nhà hát thực hành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, các nghệ sỹ nhạc dân tộc Phần Lan và Việt Nam đã cùng giới thiệu những tinh hoa âm nhạc truyền thống của hai nước tới khán giả.

Giữa Thủ đô, công chúng yêu nhạc được nghe lại những làn điệu dân tộc Hát Then vùng Tây Bắc Việt Nam của các nghệ sỹ đến từ trường dân tộc Vùng cao Tây Bắc, hay màn độc tấu đàn bầu tài tử cải lương “Phụng hoàng 12 câu” do nghệ sỹ Nguyễn Thị Mai Thủy biểu diễn.

Bên cạnh đó, các nghệ sỹ đến từ trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng mang đến nhiều tiết mục đặc sắc thuộc về âm nhạc truyền thống như: Độc tấu sáo mèo “Xuân về bản Mèo” do nghệ sỹ Lê Thành Vượng biểu diễn, Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam “Lới lơ xuống phố,” Múa “Gạo mới”…

Về phần mình, các nghệ sỹ đến từ Phần Lan cũng khiến khán giả thủ đô bất ngờ và thích thú khi thổi một hơi thở trong trẻo và đương đại trong các màn biểu diễn âm nhạc dân tộc Phần Lan.

Đối thoại âm nhạc truyền thống Việt Nam-Phần Lan hướng đến giới trẻ ảnh 2Các nghệ sỹ nhạc dân tộc Việt Nam và Phần Lan biểu diễn tương tác với nhau trên sân khấu. (Ảnh: BTC)

Các nghệ sỹ Timo Kiprianoff (Guitare), Piia Kleemola (Violon), Marita Yleva (Accordion), Jarmo Anttila (Piano) đã lần lượt giới thiệu các làn điệu dân ca Phần Lan như  hòa tấu “Ở nơi ấy” (dân ca Alavus, Nam Ostrobothnia), hòa tấu “Hãy đến đây tối nay” (dân ca Härmä, Nam Ostrobothnia), “Điệu Vans quê nhà” (làn điệu dân ca Ostrobothnia), “Tháng ngày hạnh phúc” (điệu tango do Paul Norrback sáng tác theo làn điệu Myrkky, Nam Ostrobothnia).

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các nghệ sỹ Phần Lan và Việt Nam cũng làm nên sự thăng hoa trên sân khấu bởi giao thoa âm nhạc truyền thống giữa hai nước qua màn biểu diễn dân ca Bắc bộ “Bèo dạt mây trôi""Trống cơm.”

Cũng theo ban tổ chức, ngoài những cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm tại Hà Nội và Phần Lan cũng như các buổi biểu diễn giao lưu giữa nghệ sỹ hai nước, dự án còn tổ chức một festival về nhạc dân gian Spelit trong Vùng.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Tâm, nguyên chủ nhiệm khoa Nhạc cụ Truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng, không phải giới trẻ hiện nay đều ngoảnh mặt với âm nhạc dân tộc. Thực tế, vẫn còn không ít người mê thích. Nhưng vì, hiện nay lớp trẻ có quá nhiều sự lựa chọn, gần như ngay lập tức, giới trẻ đã có thể tiếp cận ngay được với một chương trình truyền hình trực tiếp về âm nhạc như Vietnam Idol, The Voice, The Remix... Sự tác động trực tiếp, liên tục như vậy đã tạo nên một “khẩu vị” âm nhạc mới trong giới trẻ. Trong tình thế đó, âm nhạc truyền thống dường như bị quên lãng."

"Vấn đề đặt ra là Âm nhạc truyền thống có 'sống chung' được với âm nhạc đương đại hay đã lỗi thời? Âm thanh của những cây đàn dân tộc có 'vào tai' người nghe của ngày hôm nay hay không khi mà 'tiếng nói' của các loại nhạc cụ hiện đại, nhạc cụ điện tử vang lên rất mạnh mẽ, liên tục."

"Vì vậy, những dự án có tác động tương tác và thẩm thấu như "Đối thoại âm nhạc truyền thống Phần Lan- Việt Nam” sẽ cho ra một cuốn cẩm nang về những phương thức, mô hình chuyển tải âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ và khiến họ nghe và thích nó.”/.

Nhạc viện Nam Ostrobotnia được thành lập tự năm 1937. Năm 2010 nhận lời mời của thành phố Hà Nội, Giám đốc Nhạc viện Vùng Nam Ostrobotnia đã cùng một đoàn nghệ sỹ sang biểu diễn trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Năm 2012 hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng dẫn đoàn nghệ sỹ Việt Nam sang thăm và học tập tại Phần Lan.

Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi, các bên bày tỏ mong muốn cùng nhau đề xuất dự án về trao đổi các phương thức truyền bá âm nhạc truyền thống tới giới trẻ. Tháng 9.2014, nhạc viện Nam Ostrobotnia đã gửi đề xuất tới Bộ Ngoại giao Phần Lan để xin hỗ trợ 75% tổng kinh phí dự án, tức 39 nghìn Euro.

Tổng kinh phí dự án là 52.000 euro. Trong dự án này, nhạc viện Nam Ostrobotnia chịu trách nhiệm quản lý dự án, điều phối các hoạt động.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.