“Chiềng làng chiềng chạ, Thượng hạ Tây Đông, Con gái phú ông, Tên là Mầu Thị, Tâm tình ngoại ý, Mãn nguyệt có thai, Mời già trẻ gái trai ra đình mà ăn khoán…” Tiếng trống, lời gọi quen thuộc mở ra một chiếu chèo sân đình giữa lòng Thủ đô Hà Nội tối 9/8 - “Gala Chèo 48h.”
Chương trình diễn ra tại Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Khán giả không khỏi bất ngờ khi người làm chủ sân khấu không phải là những nghệ sỹ quen thuộc của làng chèo mà là những gương mặt “mới toanh”-những diễn viên nghiệp dư 9X đến từ các trường đại học ở Hà Nội. Họ là những học viên của khóa học “Chèo khám phá.”
Mặc dù mới làm quen và luyện tập trong khoảng một tháng nhưng các bạn trẻ đã rất tự tin khi thể hiện những trích đoạn kinh điển của sân khấu chèo truyền thống như “Xã trưởng, mẹ Đốp,” “Thị Mầu lên chùa,” “Hề bồi thắt lưng xanh”…
Tay cầm chiếc gậy, Giáp Trọng Đức - người đóng vai xã trưởng tập đi tập lại điệu bộ nhếch mép trước giờ lên sân khấu.
Cậu sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương này chia sẻ: “Ban đầu, em đến với khóa học này chủ yếu vì tò mò. Tuy nhiên, sau khi được các nghệ sỹ giảng giải những kiến thức cơ bản nhất và hướng dẫn tập vai xã trưởng, em cảm thấy thích thú. Bây giờ, em đã thay đổi suy nghĩ: chèo không chán như trước đó mình vẫn nghĩ!”
Diễn viên nghiệp dư này tâm sự, khi đóng vai xã trưởng, Đức cảm thấy khó nhất là làm sao diễn tả được vẻ... dê, một trong những đặc điểm tính cách nổi bật nhất của nhân vật này. Khi xuất hiện trên sân khấu, điệu bộ động tác nhếch mép của “xã trưởng Đức” khiến khán giả cười nghiêng ngả.
Có cùng suy nghĩ với Đức, nhiều học viên khác chia sẻ, trước khi đến với khóa học này, họ chẳng hề nghĩ có ngày mình sẽ đi xem chèo; chứ chưa nói đến việc sẽ trực tiếp diễn chèo. Thế nhưng, những anh hề, Thị Mầu, mẹ Đốp 9X… vẫn khiến khán giả cảm thấy vô cùng thích thú.
Ở hàng ghế khán giả, bác Nguyễn Văn Nam (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi cảm nhận được từ cách diễn của các bạn trẻ là sự thích thú, say sưa với chèo, với nhân vật của mình. Không cần phải cố gắng uốn mình theo một khuôn mẫu nào, các bạn diễn rất tự nhiên.”
Mặc dù di chuyển tự tin trên sân khấu với cái bụng to đùng nhưng diễn xuất của Thanh Hà (sinh viên Đại học Hà Nội), người hóa thân vào vai mẹ Đốp chưa thực sự diễn tả được chất mộc mạc, chân chất xen lẫn vẻ đốp chát của nhân vật này.
“Em cũng cảm thấy mình diễn chưa đạt nhưng đây là một trải nghiệm rất thú vị với em. Em hiểu hơn những bài học, triết lý cuộc sống được cổ nhân gửi gắm qua những làn điệu chèo,” Hà bày tỏ.
Đôi mắt mở to, nụ cười rạng rỡ bên ngoài sân khấu, Hà tự tin nói, cô sẽ thuyết phục các bạn của mình - những người vẫn thờ ơ với nghệ thuật chèo cùng tìm hiểu thêm về loại hình sân khấu này nói riêng và vốn văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung. “Khi chưa biết thì em cứ nghĩ chèo rất nhàm chán, không hợp với giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, khi hiểu hơn rồi, em thấy kho tàng ấy vô cùng thú vị,” Hà nói.
Đạo diễn Lê Tuấn Cường (Nhà hát Chèo Việt Nam) cho biết, anh đánh giá cao tinh thần học hỏi, lòng nhiệt tình của các bạn trẻ trình diễn trên sân khấu. Vị đạo diễn này tin rằng, giới trẻ không sẽ không quay lưng với chèo nói riêng và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung khi họ hiểu và được hòa mình vào đời sống thực sự của chúng.
“Chúng ta không thể đòi hỏi sự chuyên nghiệp ở những bạn trẻ ấy mà hãy ghi nhận, trân trọng sự say mê, lòng nhiệt tình của họ; từ đó, tìm cách nhân rộng, thổi bùng lên đam mê nghệ thuật truyền thống của khán giả trẻ. Theo tôi, đó mới thực sự là cách làm hiệu quả để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và nuôi dưỡng thế hệ khán giả kế cận cho bộ môn nghệ thuật này,” đạo diễn Lê Tuấn Cường chia sẻ.
“Chèo 48h” là một dự án phi lợi nhuận được sáng lập bởi nhóm National Chèo Ographics với mục đích đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với giới trẻ. Dự án đã chính thức khởi động từ ngày 1/7 với sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Bền vững Việt Na, tổ chức “Tôi 20.”
Dự án bao gồm hai hoạt động chính là “Chèo khám phá” (khóa học chèo cho các bạn trẻ kéo dài từ ngày 4-30/7 vừa qua) và “Chèo trải nghiệm” (chuyến đi thực tế về một trong những “cái nôi” của nghệ thuật chèo - làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình sau khi kết thúc khóa học "Chèo khám phá").
Một số hình ảnh đêm "Gala Chèo 48h":