Đối thoại doanh nghiệp và Chính phủ hướng tới chương trình hành động

Báo cáo Khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân năm 2017 cho thấy, 44% doanh nhân cho biết công ty của họ đã phải bỏ những cơ hội kinh doanh do các quy định hạn chế thị trường hay rào cản pháp lý.
Đối thoại doanh nghiệp và Chính phủ hướng tới chương trình hành động ảnh 1Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - VPSF 2017, ngày 31/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 31/7, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cùng Chương trình Sáng kiến phát triển khu vực tư nhân tiểu vùng Mekong (do Ngân hàng Phát triển Châu Á và chính phủ Úc thiết lập) đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF 2017), với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5.

Để chuẩn bị cho Diễn đàn Phiên toàn thể lần thứ hai này, trong một năm qua, ban đã thực hiện hơn 100 cuộc họp nhóm, thảo luận và hội thảo cấp cơ sở giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, các chuyên gia cùng hơn 20 cuộc họp giữa doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành.


Nhìn về một hướng

Về chủ đề của năm nay, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng: “Các doanh nghiệp tư nhân họ đều phấn khởi bởi vì họ đã thấy Đảng đã có 1 nghị quyết dành riêng tập trung chính về họ, sự quan tâm này là sự động viên, cổ vũ rất lớn.”

Nội dung Diễn đàn tập trung vào ba chuyên đề ngành kinh tế số, du lịch và nông nghiệp, đây cũng là ba ngành được Chính phủ xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, “ đây là các ngành, lĩnh vực mà tư nhân đặc biệt quan tâm, nhận thức được các cơ hội của thị trường, tiềm năng của Việt Nam và có mong muốn tham gia đầu tư, phát triển. Điều đó có ý nghĩa to lớn, Chính phủ và doanh nghiệp đã có cùng hướng nhìn, cùng mục tiêu tiến tới và giờ có thêm Chương trình hành động chất lượng nữa, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kinh tế đất nước sẽ có nhiều thay đổi tích cực.”


[Tinh thần khởi nghiệp Việt Nam mạnh mẽ song lại thiếu “vốn mồi”]

Đối thoại doanh nghiệp và Chính phủ hướng tới chương trình hành động ảnh 2Diễn đàn VPSF 2017 tập trung vào ba chuyên đề ngành kinh tế số, du lịch và nông nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính phủ hành động hơn nữa

Khai mạc Diễn đàn, ban tổ chức đã thực hiện một khảo sát mong muốn của doanh nhân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo hay hành động. Kết quả 65% doanh nhân trong nước và quốc tế có mặt tại ​đây cho biết, họ ​kỳ vọng Chính phủ sẽ hành động hơn nữa.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh, Việt Nam không thiếu chính sách và các quy định, nhưng việc thực thi hiệu quả và sự nhất quán vẫn chưa đạt yêu cầu.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn VPSF 2017, lần đầu tiên VPSF – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai và công bố Khảo sát Bộ chỉ số Niềm tin Doanh nhân – CEO.CI, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Kết quả chỉ số CEO.CI sẽ là một trong các căn cứ quan trọng của đối thoại công - tư tại VPSF 2017 cũng như căn cứ cho các tuyên bố, kiến nghị, quan điểm của khu vực tư nhân Việt Nam tại Sách Trắng VPSF 2017 ra mắt cuối năm.

Báo cáo CEO.CI cho thấy, 44% doanh nhân cho biết công ty của họ đã phải bỏ những cơ hội kinh doanh do các quy định hạn chế thị trường hay rào cản pháp lý.

Các rào cản ở đây bao gồm, giấy phép con còn quá nhiều chưa kể vẫn thiếu một số ngành nghề trong danh mục đăng ký kinh doanh hay như các loại giấy phép chuyên ngành xuất nhập khẩu còn rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, chính sách thuế, bảo hiểm, tiếp cận vốn… cũng là những khó khăn doanh nghiệp thường phải đối mặt.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Công ty Geleximco  nhấn mạnh, “chi phí hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với nhiều nước nước, doanh nghiệp cạnh tranh làm thế nào có thể cạnh tranh được.”

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quyết tâm của Chính phủ là hướng tới khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh và đúng hướng, tạo ra điều kiện một cách toàn diện với nguyên tắc xóa bỏ rào cản và định kiến./.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trả lời phỏng vấn báo chí.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.