Đối thoại kinh tế 2+2 giữa Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh công nghệ cao

Tại Đối thoại, hai quốc gia đồng minh thân cận cùng cam kết bảo đảm trật tự kinh tế quốc tế mở và dựa trên luật pháp, khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước "cạnh tranh và bền bỉ hơn."
Đối thoại kinh tế 2+2 giữa Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh công nghệ cao ảnh 1Ngày 23/5/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn nhằm mở rộng năng lực sản xuất của mỗi nước và đảm bảo nguồn cung chip ổn định. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Đối thoại kinh tế 2+2 lần đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản ngày 29/7, các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế hai nước đã nhất trí nhiều nội dung về hợp tác kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến hợp tác trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và công nghệ cao. Hai bên cũng đề cập đến các vấn đề khu vực cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu.

Đối thoại diễn ra tại Washington, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Đại diện phía Nhật Bản là Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai quốc gia đồng minh thân cận cùng cam kết bảo đảm trật tự kinh tế quốc tế mở và dựa trên luật pháp, khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước "cạnh tranh và bền bỉ hơn," đồng thời hợp tác song phương trong phát triển các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn quốc tế mới.

Tầm nhìn chung của hai nước về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng và đang trong quá trình thảo luận với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực.

Hai nước cũng đưa ra một kế hoạch hành động tập trung vào nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực chiến lược, đặc biệt là chất bán dẫn, pin và khoáng sản quan trọng.

[Mỹ-Nhật Bản sẽ tổ chức Đối thoại kinh tế 2+2 đầu tiên vào cuối tháng 7]

Tuyên bố chung cũng nêu rõ hai nước nhất trí tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và đảm bảo các nguồn năng lượng trong thời gian tới, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng, để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời cam kết hợp tác để tạo ra các chuỗi cung ứng hạt nhân linh hoạt hơn.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda nhấn mạnh: "Trong thời đại mà chính sách an ninh đối ngoại và chính sách kinh tế không thể tách rời, chúng ta có thể mở ra một trang mới trong liên minh Nhật Bản-Mỹ."

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư trị giá 52 tỷ USD mà Washington dành để phát triển ngành sản xuất công nghệ cao trong nước, mới được Hạ viện nước này thông qua, cũng bao gồm việc tăng cường quan hệ đối tác với các nước đồng minh như Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ, trong đó bao gồm sản xuất chất bán dẫn.

Để đẩy nhanh sự phát triển chung của các chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, dự kiến sẽ được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các mục đích khác, Nhật Bản đã thông báo thành lập một tổ chức nghiên cứu và phát triển mới, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của nước này.

Theo Bộ trưởng Hagiuda, trung tâm này sẽ được mở cho các doanh nghiệp và viện nghiên cứu ở nước ngoài, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia có liên quan trong khu vực.” Tokyo kỳ vọng đây sẽ trở thành “một trung tâm nghiên cứu chung quốc tế.”

Các bộ trưởng của Mỹ và Nhật Bản cũng nhất trí Đối thoại Kinh tế 2+2 sẽ được tiến hành thường niên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.