Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản và gạo

Từ nay đến cuối năm, ĐBSCL phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo là 9,35 tỷ USD, nâng tổng giá trị hai mặt hàng xuất khẩu nói trên đạt 10,2 tỷ USD.
Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản và gạo ảnh 1Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo số liệu từ Cục Thống kê Cần Thơ, tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 850 triệu USD, tương đương 8,3% kế hoạch năm, chiếm 75,2% tổng kim ngạch hàng hóa đã xuất của khu vực này trong tháng đầu năm.

Từ nay đến cuối năm, các tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo là 9,35 tỷ USD, nâng tổng giá trị hai mặt hàng xuất khẩu nói trên đạt 10,2 tỷ USD trong năm 2015.

Để hoàn thành kế hoạch trên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đưa gần 800.000ha mặt nước vào nuôi trồng thủy sản, phấn đấu sản lượng đạt 3,7 triệu tấn, đáp ứng đủ nguyên liệu cho 198 nhà máy chế biến trong vùng.

Song song với đó, các tỉnh đưa 4,2 triệu ha đất vào trồng lúa, trong đó, 80% diện tích trồng lúa chất lượng cao nhằm cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nâng chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường nhiều nước châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, EU, Bắc Mỹ.

Việc mở rộng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu kinh nghiệm toàn cầu về quản lý rủi ro trong quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh nghiệm áp dụng các giải pháp tài chính chuyên biệt được chú trọng.

Các địa phương thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ ngành gạo xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng, phát triển và quản lý chuỗi cung ứng, các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm hạn chế đế mức thấp nhất rủi ro trong quan hệ ngoại thương.

Các tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp vay 56.000 tỷ đồng để tăng năng lực đầu tư đổi mới công nghệ theo chuẩn quốc tế, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển đổi cơ cấu chế biến hàng xuất khẩu theo hướng gia tăng sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao.

Cách làm này nhằm nâng số lượng gạo cao cấp xuất khẩu trong năm 2015 tăng 20% so năm 2014, thủy sản cao cấp xuất khẩu tăng 5%.

Cùng với đó, kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững và mở rộng áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường như GlobalGAP, VietGAP, BRC, SSOP, BAP, ASC được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nước ngoài.

Riêng Cà Mau, địa phương dẫn đầu toàn vùng về sản lượng tôm và kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 15 năm qua, sẽ thực hiện đưa 290.000ha mặt nước vào nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn vùng trong năm 2015.

Cà Mau thực hiện cung ứng 21 tỷ con giống sạch bệnh cho người nuôi, nhân rộng các mô hình nuôi trồng hiệu quả như quảng canh cải tiến, nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, nuôi tôm công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước cho diện tích nuôi tôm.

Trong năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại nhiều nước châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ; gia tăng chế biến gạo cao cấp và đã xuất sang các nước có rào cản kỹ thuật khắt khe như Nhật, EU, Mỹ, Singapore, Australia. Sản lượng thủy sản, gạo xuất khẩu đều tăng, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng trên đạt 8,9 tỷ USD, tăng gần 700 triệu USD so năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.