Theo tờ ABC News của Australia, dường như các nước trong khu vực Đông Nam Á đang ấp ủ kế hoạch cho một “cuộc cách mạng xe điện.”
Indonesia - đất nước được coi là thị trường ôtô lớn nhất khu vực Đông Nam Á - quyết tâm tăng cường sử dụng ôtô điện trong nước bằng cách đưa ra một loạt biện pháp khuyến khích nhằm giảm giá xe điện.
Chính phủ Indonesia đã sử dụng các ưu đãi về thuế để tăng doanh số bán ôtô điện, bao gồm xóa bỏ thuế bán hàng xa xỉ và giảm thuế giá trị gia tăng từ 11% xuống 1%.
Giáo sư Francisco Podesa, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT), cho rằng động thái này khiến mức giá trở nên hấp dẫn hơn.
Chính phủ Indonesia cũng đưa ra khoản trợ cấp 7 triệu rupiah (tương đương 700 USD) cho mỗi xe máy điện được bán. Trong khi đó, Công ty điện lực nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) cung cấp chiết khấu cho chủ sở hữu xe điện sạc xe tại nhà qua đêm. Cụ thể, nếu sạc xe điện từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng, họ sẽ được giảm giá 30%.
Người lái xe điện ở Jakarta cũng được cấp biển số đặc biệt, nghĩa là họ được miễn các hạn chế sử dụng đường bộ áp dụng cho xe động cơ xăng. Thành phố có chính sách "chẵn lẻ," nghĩa là ôtô chạy xăng có biển số kết thúc bằng số lẻ chỉ được phép đi trên một số con đường nhất định vào những ngày số lẻ.
Ôtô chạy xăng có số chẵn ở cuối biển số chỉ được phép đi trên những con đường đó vào những ngày chẵn. Nếu sử dụng xe ôtô điện, người sở hữu không phải chịu những hạn chế này, đó là một lợi thế đáng kể đối với khả năng di chuyển hàng ngày của họ.
Mặc dù những ưu đãi này được đưa ra để thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong nước ở Indonesia, nhưng chúng là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn của chính phủ nhằm đưa quốc gia này trở thành trung tâm sản xuất pin và xe điện toàn cầu.
Imam Subari, Giám đốc Tiếp thị của một nhà máy sản xuất xe máy và xe tay ga ở ngoại ô Jakarta - nơi tập trung nhiều hoạt động với các dây chuyền công nhân lắp ráp xe điện - cho biết xe điện hai bánh mang thương hiệu Selis cực kỳ phổ biến ở Jakarta một phần là do trợ cấp của chính phủ.
Những chiếc xe điện được sản xuất trong nước phải bao gồm các thành phần có nguồn gốc trong nước, và nickel trong pin xe điện của họ là thành phần chính trong nước.
Chính phủ Indonesia đang tận dụng nguồn dự trữ nickel khổng lồ của đất nước và chuyển nó vào chuỗi sản xuất xe điện, bao gồm các trung tâm pin, với nhà máy đầu tiên bắt đầu sản xuất pin vào năm 2024.
Nickel là thành phần chính trong pin lithium-ion được sử dụng trong một số xe điện. Tháng 11/2023, Indonesia và Australia đã ký một thỏa thuận nhằm “thúc đẩy hợp tác cùng có lợi” trong sản xuất pin và chế biến khoáng sản quan trọng, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ xe điện.
Indonesia có kế hoạch đầy tham vọng là sản xuất khoảng 600.000 xe điện vào năm 2030 - gấp hơn 100 lần số lượng bán ra ở Indonesia trong nửa đầu năm 2023. Để thu hút các nhà sản xuất ôtô, chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Wuling của Trung Quốc và Hyundai của Hàn Quốc, cả hai đều sản xuất ôtô điện ở Indonesia, hiện chiếm thị phần lớn nhất trong doanh số bán xe điện, trong khi các nhà sản xuất ôtô khác đã đầu tư hàng tỷ USD cho các nhà máy xe điện ở nước này.
Tất nhiên, vẫn còn những thách thức đối với người sử dụng xe điện ở Indonesia, nhưng người tiêu dùng vẫn hy vọng các vấn đề như cơ sở hạ tầng sạc sẽ được cải thiện.
Thái Lan cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu trong khu vực. Đất nước này là nhà sản xuất ôtô lớn nhất ở Đông Nam Á và chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu chuyển đổi khoảng 30% sản lượng hàng năm (2,5 triệu xe) sang xe điện vào năm 2030.
Chính phủ Thái Lan cũng đang sử dụng các biện pháp khuyến khích để tăng cường sử dụng xe điện trong nước - và đã đạt được nhiều thành công.
Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Counterpoint, Thái Lan chiếm một nửa tổng doanh số bán xe điện ở Đông Nam Á. Người mua có thể nhận được khoản trợ cấp lên tới 100.000 baht (4.260 USD) cho mỗi ôtô điện, mặc dù khoản giảm giá này thấp hơn gói trợ cấp trước đó, trị giá lên tới 150.000 (6.380 USD) baht.
Giáo sư Podesa cho biết, tại Việt Nam, VinFast đang dẫn đầu “cuộc cách mạng xe điện” của đất nước. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng lượng tiêu thụ xe điện trong nước chủ yếu tập trung ở thị trường xe hai và ba bánh, vốn cũng đã tăng trưởng đáng kể.
Ông nói: “10% doanh số bán xe hai bánh là xe điện. Đây là một con số rất đáng kể vì Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ.”
Doanh số bán ôtô điện trên thị trường toàn cầu đạt kỷ lục mới
Theo Rho Motion, doanh số bán xe BEV và PHEV toàn cầu trong tháng 11/2023 đạt kỷ lục mới là 1,4 triệu chiếc, tăng từ mức 1,1 triệu chiếc tháng 11/2022.
Bất chấp nỗ lực tăng cường sử dụng xe điện ở Đông Nam Á, Giáo sư Hussein Dia - người đứng đầu Bộ phận Di chuyển Đô thị Tương lai tại Đại học Công nghệ Swinburne (Australia) - giải thích rằng tỷ lệ sử dụng nhìn chung vẫn ở mức thấp.
Giáo sư Dia cho biết khoảng 6% người dân ở Đông Nam Á đã chuyển sang sử dụng xe điện vào quý 2/2023. Ông bình luận: “Nếu so sánh, có thể thấy Australia đã cố gắng đạt được tỷ lệ sử dụng xe điện là 8,1% vào năm 2023, tốt hơn so với những năm trước nhưng vẫn tụt hậu so với mức trung bình thế giới khoảng 14%.”
Giáo sư Dia cho biết xe điện vẫn là “mặt hàng xa xỉ” đối với những người có thu nhập thấp ở Đông Nam Á và “vượt quá tầm với” của nhiều người dân Australia.
Theo ông, hầu hết các nước ở Đông Nam Á cũng như Australia “vẫn thiếu mạng lưới tốt” các trạm sạc xe điện, và “đó có thể là do họ đã bị tụt lại trong hành trình chuyển đổi xe điện so với Trung Quốc”./.