Những cánh đồng ở vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ đón mùa nước nổi (hay còn gọi là mùa lũ) tràn về, nhiều loại cá, tôm cũng theo con nước vào đồng ruộng.
Để phục vụ cho những người hành nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi, người dân ở các làng nghề làm ngư cụ (chủ yếu là lưới và lọp) trong tỉnh Đồng Tháp cũng bước vào mùa sản xuất bận rộn nhất trong năm.
Hơn 2 tuần qua, gia đình ông Bùi Văn Sum cũng như nhiều gia đình khác ở làng nghề đan lọp xã Hòa Long, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang tất bật vào vụ sản xuất.
Ông Bùi Văn Sum cho biết thương lái đã đặt mua khoảng 2.000 cái lọp với giá đặt cọc 25.000 đồng/cái, sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn lãi gần 5.000 đồng/cái.
Gia đình ông đang bận rộn sản xuất để kịp giao cho khách hàng. Hằng năm, trong khoảng 2-3 tháng của mùa nước nổi là lúc tiêu thụ lọp nhiều nên thu nhập cũng cao hơn so với những tháng khác.
[Mưu sinh mùa nước nổi nơi đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp]
Người dân ở làng nghề đan lọp xã Hòa Long sản xuất quanh năm theo đặt hàng từ thương lái để phân phối đi tỉnh Bến Tre và thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, mùa cao điểm sản xuất của làng nghề này là từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch hằng năm.
Để đảm bảo cung ứng kịp hàng cho thương lái, ngay từ tháng Giêng, bà con làng nghề đã thu mua trúc, phơi khô và chuẩn bị các nguyên vật liệu cần thiết như kẽm, dây gân, dây đồng…
Theo nhiều người làm lọp ở xã Hòa Long, để làm ra cái lọp phải qua nhiều công đoạn, gồm chẻ trúc và phơi nắng, chuốt nan, chà bóng, dệt nan, bện hom, uốn đáy, ráp thành phẩm.
Với thâm niên hơn 40 năm làm nghề đan lọp, bà Phạm Thị Hoa (61 tuổi) ngụ xã Hòa Long, huyện Lai Vung cho biết lọp có nhiều loại và giá bán cũng khác nhau.
Vào mùa nước nổi, loại lọp nan nhỏ (hay còn gọi là lọp tép) được tiêu thụ mạnh nhất, dùng để bắt tép, cá chạch, cá bống… Trung bình mỗi mùa nước nổi, gia đình bà tiêu thụ được 3.000-4.000 cái lọp, cung cấp cho bà con làm nghề đánh bắt thủy sản ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang.
Những ngày này, ven theo tuyến Quốc lộ 80, đoạn qua địa bàn xã Long Hậu, huyện Lai Vung và xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, người đi đường dễ dàng bắt gặp những bộ ngư cụ làm bằng lưới được bày bán dọc đường.
Giá bán các sản phẩm vẫn giữ mức bình ổn so với mùa nước nổi năm trước. Cụ thể, lưới 1 màn từ 150.000-180.000 đồng/tay, lưới 3 màn 200.000 đồng/tay, lưới mùng từ 70.000- 80.000 đồng/kg.
Là một trong những hộ có nhiều năm theo nghề làm các dụng cụ đánh bắt cá từ lưới, hiện nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung cũng tất bật sản xuất để hoàn thành các đơn đặt hàng theo yêu cầu của người mua.
Theo ông Thanh, năm nay, từ đầu tháng 7 âm lịch, mùa kinh doanh lưới đã bắt đầu nhộn nhịp. Gia đình ông chủ động sản xuất hàng với số lượng nhiều hơn để phục vụ khách hàng trong mùa nước nổi.
Qua thời gian, việc sản xuất lưới bằng phương pháp thủ công cũng dần hạn chế, thay vào đó, bà con đã áp dụng những kỹ thuật mới và máy móc hiện đại vào sản xuất. "Trước đây, làm lưới bằng thủ công nên rất chậm, chỉ được 100-200 khúc lưới/ngày. Bây giờ, có máy kẹp chì, máy cán chì…, giúp sản xuất nhanh và nâng cao năng suất lao động hơn, mỗi ngày có thể làm được 400-500 khúc lưới" - ông Thanh cho hay.
Nghề làm lưới để bán cho người hành nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn, nhất là phụ nữ và người trung niên. Ngoài công việc đồng áng, nhiều người dân có thêm thu nhập từ nghề gia công lưới bắt cá.
Bà Chung Thị Tuyết Giàu ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết việc gia công lưới khá thoải mái về giờ giấc, có thời gian rảnh khi nào thì làm khi đó. Trung bình mỗi ngày, bà thu nhập từ 120.000-200.000 đồng.
Theo nhiều người dân sản xuất ngư cụ, vào mùa nước nổi, sản phẩm tiêu thụ nhiều hơn gấp đôi so với bình thường. Tuy nhiên, nhìn chung, những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn về trễ và ít; lượng cá, tôm cũng không còn phong phú như trước. Vì vậy, số lượng sản phẩm lọp, lưới và các loại ngư cụ khác tiêu thụ cũng ít nhiều bị giảm sút.
Mùa nước nổi ở Đồng Tháp thường từ đầu tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Cũng như những người trực tiếp đánh bắt thủy sản, bà con làm nghề sản xuất ngư cụ rất mong năm nay có "mùa lũ đẹp" để có thể bán nhiều sản phẩm, nâng cao thu nhập cho gia đình./.