Tỉnh Đồng Tháp đang phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch nhân văn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... qua đó đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Điểm đến nổi bật nhất là Khu di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu du lịch Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn hoa kiểng Sa Đéc, du lịch nhà cổ Huỳnh Thủy Lê... thưởng thức làng nghề làm nem ở Lai Vung, xem cánh đồng sen ở Tháp Mười, làng nghề đóng xuồng ba lá ở Long Hậu, Lai Vung.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp, cho biết Công ty đã ký nhiều hợp đồng liên kết hợp tác với các hãng lữ hành và các hiệp hội du lịch nhiều địa phương trong cả nước (Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Miền Trung, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...) tạo cầu nối để tuyên truyền, quảng bá các dịch vụ, sản phẩm du lịch của tỉnh đến các địa phương.
Ngoài ra, Công ty còn tăng cường củng cố, cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch có sức thu hút cao, mang tính đặc trưng như du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, du lịch trải nghiệm...
Hệ thống các dịch vụ du lịch của Công ty cũng được giảm giá từ 5-10%, kể cả các ngày lễ, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, nhằm thu hút và kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch.
Theo ông Võ Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sẽ phấn đấu xây dựng thương hiệu du lịch của Đồng Tháp vững chắc trong lòng du khách và tạo sự khác biệt so với các sản phẩm du lịch của các địa phương khác trong khu vực.
Ngành du lịch Đồng Tháp sẽ tập trung hơn nữa trong việc tiến hành phân công và xây dựng các sản phẩm riêng cho từng khu, điểm du lịch; trong đó, các sản phẩm du lịch tiêu biểu của Đồng Tháp như du lịch sinh thái theo mùa, du lịch sông nước, du lịch trải nghiệm, làng nghề, ẩm thực... sẽ được tỉnh tập trung nhằm thu hút và níu chân du khách phương xa đến với Đồng Tháp.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho hay tỉnh đang xây dựng thương hiệu du lịch "Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen," mang đậm những nét đặc trưng của địa phương để thu hút du khách, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Theo đó, để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại-dịch vụ; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đơn vị kinh doanh du lịch, công ty lữ hành để thu hút du khách đến với Đồng Tháp.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án phát triển thành phố hoa Sa Đéc làm trọng tâm để kết nối phát triển du lịch.
Tỉnh đang đa dạng hóa các loại hình du lịch, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015 là “Quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại-dịch vụ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhanh sau năm 2015.”
Những năm qua, tỉnh có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh địa phương, nhằm giới thiệu tiềm năng và thế mạnh, thu hút đầu tư, phát triển du lịch Đồng Tháp.
Đồng Tháp đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, du lịch Đồng Tháp có bước thay đổi nhanh và đồng bộ, tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc thù, có bản sắc, có sức cạnh tranh; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đồng Tháp cũng phấn đấu đến năm 2015, đón và phục vụ 2,1 triệu du khách, doanh thu du lịch đạt 360 tỷ đồng./.