Đồng USD suy yếu, giá dầu thế giới ít biến động trong phiên 8/4

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA ở New York, cho biết giá dầu thô đang vật lộn để tìm hướng đi khi áp lực từ đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn bị hạn chế bởi đồng USD yếu.
Đồng USD suy yếu, giá dầu thế giới ít biến động trong phiên 8/4 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giá dầu thế giới biến động không đáng kể trong phiên giao dịch ngày 8/4, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán khởi sắc đã bù đắp cho đà giảm mạnh của giá dầu ở đầu phiên do dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) hạ 17 xu Mỹ (0,3%), xuống 59,60 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc lại “nhích nhẹ” 4 xu Mỹ (0,1%), lên 63,20 USD/thùng.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA ở New York, cho biết giá dầu thô đang vật lộn để tìm hướng đi khi áp lực từ đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn bị hạn chế bởi đồng USD yếu.

Chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần so với rổ tiền tệ chủ chốt, theo sau đà giảm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, khi dữ liệu mới đây cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ bất ngờ gia tăng.

[Số đơn xin thất nghiệp lần đầu ở Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp]

Đồng USD yếu hơn khiến giá dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều thường giúp giá dầu hưởng lợi. Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục và Nasdaq ở mức cao nhất trong bảy tuần, nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu công nghệ.

Sự hưng phấn này trên Phố Wall chỉ diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại cam kết duy trì chính sách ôn hòa cho đến khi kinh tế phục hồi vững chắc.

Tuy nhiên, giá dầu lại chịu sức ép đi xuống khi dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh 4 triệu thùng, lên hơn 230 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 2/4) khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng trước giai đoạn di chuyển nhiều trong mùa Hè.

Nga cho biết, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đối với việc tiêu thụ dầu toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023-2024, trong khi sản lượng dầu thô có khả năng sẽ tăng.

Tuần trước, Tổ chức Các nước Sản xuất (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, còn được gọi là OPEC +, đã đồng ý đưa sản lượng trở lại khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới.

Iran và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các cường quốc khác về việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân, vốn ngăn chặn phần lớn sản lượng dầu của Iran đưa ra thị trường. Điều này làm hồi sinh hy vọng Tehran có thể được Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và bổ sung vào nguồn cung dầu toàn cầu.

Công ty cung cấp thông tin thị trường hàng hóa Kpler dự báo, nếu các cuộc đàm phán Mỹ-Iran tiến tới một thỏa thuận, nước này có thể cung cấp thêm 2 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.