Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch nước nhà thời gian qua đã nhận nhiều sự quan tâm của Chính phủ.
Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững vừa ban hành ngày 18/5, thì tới 24/6 Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày cho khách quốc tế đến Việt Nam, với giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày…
[Quảng bá du lịch: Câu chuyện từ thời trang đến màn ảnh rộng]
Sau thời gian dài chờ đợi những chính sách cởi mở hơn, giờ đây những người làm du lịch đã có thể thở phào. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi của ngành Du lịch liệu có thể sớm tăng tốc bứt phá hay không, cần làm gì để nâng cao vị thế cạnh tranh, Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã có những trao đổi với báo giới.
- Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh, trong đó du khách quốc tế sẽ được đón chào với những thủ tục đơn giản, thuận tiện, chính sách thông thoáng hơn, ông đánh giá điều đó sẽ tạo động lực thế nào cho thị trường khách ngoại đến Việt Nam thời gian tới?
Cục Trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Có thể nói, đây là một trong những thành công và là tin rất tốt đối với những người làm du lịch Việt Nam. Vì đây là mong muốn từ nhiều năm qua mà ngành du lịch cũng như các cơ quan hữu quan đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ nhằm có những điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với việc Quốc hội thông qua điều chỉnh hình thức cấp thị thực điện tử cũng như tăng thêm thời gian lưu trú cho khách nước ngoài, thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như sự phối hợp của các Bộ, Ngành liên quan trong việc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo nên một chính sách đột phá.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, đây là cơ hội tốt để họ xây dựng lại những sản phẩm du lịch dài hơi hơn, thu hút các thị trường du lịch có khả năng chi trả cao, ở lâu cũng như xây dựng được kế hoạch kinh doanh lâu dài. Trên cơ sở đó sẽ tạo sức hút cho những điểm đến Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các thị trường du lịch mục tiêu và một số thị trường mới mà thời gian qua chúng ta đã nỗ lực xúc tiến quảng bá.
- Rõ ràng chính sách visa của ta đã cởi mở hơn, song, khi khách đến nhà, muốn tạo được những sản phẩm hấp dẫn nhằm nâng cao mức chi trả của khách như ông vừa nêu, ngành du lịch cần phải làm gì?
Cục Trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Tôi cho rằng điểm khó khăn nhất là chính sách visa cũng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, đó mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa.
Những giải pháp xuyên suốt từ việc tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; triển khai công tác xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn; đặc biệt là phải đảm bảo an ninh an toàn trong công tác quản lý điểm đến; cả những chính sách liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi cho khách khi du lịch tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa là chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch vừa đáp ứng nhu cầu đủ về số lượng vừa đảm bảo chất lượng, từ đó mới tạo nên dịch vụ chất lượng cung cấp cho khách. Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi mặt của ngành…
Tổng hòa tất cả các nội dung đó mới tạo được những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, hấp dẫn, nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng như tạo sức hút lớn cho ngành du lịch thời gian tới.
- Du lịch đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn vừa qua, theo ông toàn ngành cần làm gì để nhanh chóng phục hồi và bứt tốc thời gian tới?
Cục Trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Có thể nói, trong giai đoạn khó khăn nhất, toàn ngành đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp của các Bộ, Ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn để tạo nên sức bật mới cho du lịch Việt Nam.
Chính vì vậy, thời gian qua, trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19 du lịch Việt Nam vẫn có kết nối với thị trường mục tiêu, thông qua đó thông tin về điểm đến, về chất lượng các dịch vụ không bị gián đoạn. Vì vậy, khi chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, du khách quốc tế cũng đã có cơ hội đến Việt Nam để thực sự trải nghiệm điểm đến.
Trong giai đoạn COVID-19, ngành du lịch cũng đã chủ động đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó có tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai hội nghị toàn quốc về thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như hội nghị toàn quốc về du lịch.
Trên cơ sở đó, một nghị quyết của Chính phủ với 7 nhóm giải pháp rất cụ thể giao cho các Bộ, Ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội Du lịch cũng như có định hướng quan trọng để toàn ngành hoàn thành được nhiệm vụ thời gian tới, đặc biệt là thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tôi cho rằng đây là những bước đột phá, tạo nên kết quả tích cực trong thời gian qua của ngành. Trong nửa cuối của nhiệm kỳ du lịch 2021-2026, chúng ta phải cố gắng tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã tham mưu để Bộ sẽ ban hành một kế hoạch hành động, thực hiện Nghị quyết số 82 với 21 nhóm nhiệm vụ trực tiếp sẽ do Bộ chủ trì, cùng với đó là 23 nhiệm vụ sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương, trong đó có 10 Bộ, Ngành, địa phương cũng như Hiệp hội Du lịch sẽ tham gia triển khai.
Nếu chúng ta triển khai có hiệu quả Nghị quyết này, sẽ là tiền đề lấy lại đà tăng trưởng của du lịch Việt Nam nửa cuối nhiệm kỳ cũng như đạt được những dấu mốc quan trọng hơn, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.