Du khách đến Ninh Bình, Hải Dương, Vũng Tàu tăng mạnh trong dịp Tết

Lượng khách du lịch đến Ninh Bình trong những ngày qua tăng gấp 7 lần so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong khi đó, lượng khách đến Vũng Tàu tắm biển cũng đông hơn mọi năm.
Du khách đến Ninh Bình, Hải Dương, Vũng Tàu tăng mạnh trong dịp Tết ảnh 1Phố cổ Hoa Lư tại thành phố Ninh Bình - một điểm du lịch thu hút đông du khách. (Nguồn: Vietnam+)

Trong những ngày đầu Năm mới Quý Mão 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Bà Rịa Vũng Tàu... đã đón lượng lớn du khách.

Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong 4 ngày (từ ngày 29 đến mùng 2 Tết), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đón gần 85.000 lượt khách.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết lượng khách du lịch những ngày qua tăng gấp 7 lần so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó có 12.825 lượt khách quốc tế.

Một số khu, điểm du lịch tiêu biểu đón đông du khách như: Khu Du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính đón 19.340 khách, Khu Du lịch Tràng An đón 12.910 khách, Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động đón 4.144 khách; Vườn chim Thung Nham đón 5.765 khách; Hang Múa đón 3.500 khách; nhà thờ đá Phát Diệm đón 5.222 khách.

Đón lượng khách đông nhất là Phố cổ Hoa Lư (thành phố Ninh Bình) với 36.835 khách. Công suất phòng bình quân 4 ngày Tết đạt từ 35-40%.

Tại các khu, điểm du lịch, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, công tác phòng chống dịch, bệnh được các cấp, ngành đảm bảo; không có tình trạng chen lấn, ép khách, xin tiền...

Hình ảnh du lịch Ninh Bình được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi; các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh du lịch; việc niêm yết, bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ được thực hiện nghiêm túc.

[Quảng Ninh: Đón du khách xông đất đầu năm mới Quý Mão 2023]

Tại Hải Dương, các khu Di tích Quốc gia Đặc biệt đã đón hàng nghìn du khách trong dịp Tết.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, một trong 4 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh, trong những ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán, di tích đã đón khoảng 5.000 lượt du khách đến chiêm bái và dâng hương.

Ban Quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã cắm 2.000 lá cờ thần, hồng kỳ; treo hàng trăm đèn lồng, hàng nghìn mét cờ dây... tại các di tích; dựng hệ thống panô, phướn tuyên truyền trực quan tại khuôn viên các di tích, các tuyến đường vào di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, hồ Côn Sơn…, chỉnh trang toàn bộ hệ thống biển tuyên truyền trực quan tại hai Khu Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc; sửa chữa, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng và điện màu trang trí tại điểm di tích đảm bảo phục vụ lễ hội.

Ban Quản lý cũng tuyên tuyền về chương trình Lễ hội mùa Xuân, hành trình xây dựng Hồ sơ Di sản Thế giới Quần thể Di tích Yên tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc tới du khách.

Trong khi đó, ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý Di tích huyện Cẩm Giàng cho biết trong 2 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (30 và mùng 1 Tết tức 21 và 22 dương lịch), 2 Di tích Quốc gia Đặc biệt trên địa bàn huyện là Văn miếu Mao Điền và Đền Bia-Chùa Giám-Đền Xưa đã đón hơn 2.000 lượt du khách đến chiêm bái và dâng hương.

Để đón người dân địa phương và du khách, Ban quản lý di tích đã tiến hành tổng vệ sinh khuôn viên trong nội tự và sân bãi đỗ xe, đường vào di tích; trang trí khánh tiết, cắm cờ hồng kỳ, cờ thần và bố trí treo cờ đại tại các di tích.

Tại Di tích Văn miếu Mao Điền, Ban Quản lý đã in các biển pano giới thiệu thể lệ thi Hương, Hội thời phong kiến (thời Lê, Nguyễn) và giới thiệu về trường thi Hương trấn Hải Dương đặt tại Mao Điền; trưng bày Văn miếu Mao Điền xưa và nay; giới thiệu thân thế sự nghiệp Đức Thánh Khổng tử và các bậc đại khoa phối thờ tại Di tích Văn miếu Mao Điền.

Tại Di tích Đền Bia-Chùa Giám-Đền Xưa, Ban Quản lý đã in pano về giới thiệu y đức của Đức Thánh Tuệ Tĩnh; trưng bày chuyên đề "Giá trị Cụm di tích lưu niệm Đại Danh y-Thiền sư Tuệ Tĩnh đền Xưa, chùa Giám, đền Bia."

Trong đêm 30 và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán (ngày 21 và 22/2 dương lịch), hàng nghìn người dân địa phương và du khách cũng đã đến chiêm bái và dâng hương tại các di tích lịch sử, đền, chùa nổi tiếng như chùa Hào Xá, đình Mộ Trạch, đền Chu Văn An, đền Quát, đền Cao, đền Tranh, chùa Thanh Mai, chùa Nhẫm Dương, đền Cao An Phụ...

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu Phạm Khắc Tộ cho biết ngày 23/1 (ngày mùng 2 Tết), lượng du khách đổ về các điểm du lịch của thành phố Vũng Tàu đạt hơn 43.000 lượt người, tăng gấp 7 lần so với ngày 22/1 (mùng 1 Tết).

Trước đó, trong ngày 22/1, các khu du lịch trên địa bàn thành phố Vũng Tàu đón và phục vụ khoảng 6.000 lượt khách, cao gấp 4 lần so với mùng 1 Tết Tân Sửu năm 2021 và cao gấp 5 lần so với mùng 1 Tết Nhâm Dần năm 2022.

Theo dự báo, lượng khách du lịch đến Vũng Tàu tắm biển trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ đông hơn so với mọi năm. Do đó, Trung tâm Quản lý và hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu đã bố trí lực lượng cứu hộ và cắm cờ hiệu, biển báo, chăng dây phao khoanh vùng để hướng dẫn du khách tắm biển an toàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.