Du khách đổ xô đến Nhật Bản săn quần áo và túi xách cao cấp với giá hời

Các thương hiệu xa xỉ toàn cầu không thấy vui bởi hàng hóa của họ, từ giày thể thao thiết kế đến whisky, giờ đây có xu hướng rẻ hơn theo giá trị USD ở Nhật Bản so với các nơi khác.

Khách xếp hàng mua đồ tại cửa hàng của Louis Vuitton ở Tokyo. (Ảnh: Bloomberg)
Khách xếp hàng mua đồ tại cửa hàng của Louis Vuitton ở Tokyo. (Ảnh: Bloomberg)

Du khách đang đổ xô đến Nhật Bản để săn hàng quần áo và túi xách cao cấp với giá hời nhờ đồng yen yếu.

Tuy nhiên, các công ty xa xỉ phẩm như LVMH, công ty mẹ của Louis Vuitton, lại muốn những khách hàng này mua sắm tại các cửa hàng trong nước.

Việc đồng yen giảm giá, chạm mức thấp kỷ lục 38 năm so với đồng USD trong tháng 7/2024 trước khi phục hồi đã thúc đẩy một làn sóng du lịch chưa từng có, thu hút những người mua sắm sành điệu từ châu Á và các nơi khác.

Tuy vậy, các thương hiệu xa xỉ toàn cầu không thấy vui mừng với điều này bởi hàng hóa của họ, từ giày thể thao thiết kế đến whisky, giờ đây có xu hướng rẻ hơn theo giá trị USD ở Nhật Bản so với các nơi khác, làm giảm lợi nhuận.

Một số du khách, đặc biệt là từ Trung Quốc, đang ngần ngại mua hàng hiệu tại quê nhà, nhưng chi tiêu mạnh tay ở Nhật Bản.

Sự biến động của đồng yen khiến các công ty không thể dễ dàng tăng giá để phản ánh chính xác tỷ giá, khiến họ phải chấp nhận lợi nhuận thấp hơn ở Nhật Bản, ít nhất là trong khi đồng yen vẫn yếu.

Giám đốc Tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony cho biết xu hướng này đã khiến LVMH, cũng sở hữu các thương hiệu xa xỉ Dior và Fendi, bất ngờ. Nó đã có tác động "giảm phát" đến hoạt động kinh doanh của LVMH tại Trung Quốc khi khách hàng tạm dừng mua sắm tại quê nhà, gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận. Ông cũng đề cập đến khó khăn do sự biến động của tỷ giá tiền tệ.

Chiếc túi Alma BB phổ biến của Louis Vuitton có giá 14.800 nhân dân tệ (tương đương 2.050 USD) ở Trung Quốc. Tại Nhật Bản, chiếc túi này được bán với giá 279.400 yen (tương đương 1.875 USD). Trong tháng 7/2024, sản phẩm này có thể được bán với giá thấp tới 1.725 USD khi đồng yen ở mức yếu nhất.

Đồng yen sẽ phải tăng lên khoảng 136 yen đổi 1 USD để đưa giá túi tại Nhật Bản ngang bằng với Trung Quốc. Đồng yen được giao dịch ở mức 149,30 yen đổi 1 USD trong phiên 1/8, gần mức cao nhất trong bốn tháng rưỡi.

Tập đoàn hàng xa xỉ Thụy Sỹ Richemont, sở hữu thương hiệu Cartier, cũng nhận thấy doanh số bán hàng tại Nhật Bản tăng gần 60% trong quý đầu tiên, nhờ du khách Trung Quốc, Đông Nam Á và Mỹ.

Dữ liệu chính thức cho thấy, Nhật Bản đã đón kỷ lục 3,1 triệu lượt du khách nước ngoài trong tháng 6/2024, đưa nước này trên đà phá vỡ kỷ lục hàng năm gần 32 triệu lượt khách du lịch nước ngoài được ghi nhận trong năm 2019, trước khi đại dịch khiến du lịch toàn cầu đình trệ.

Theo chính phủ, chi tiêu của du khách dự kiến đạt 8.000 tỷ yen (54,74 tỷ USD) trong năm nay. Nhật Bản coi du lịch là động lực tăng trưởng hiếm hoi ở nền kinh tế chịu ảnh hưởng bất lợi từ tình trạng dân số già hóa trong thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục