Du lịch đang trở thành ngành kinh tế trụ cột chiến lược của Trung Quốc

Du lịch đang ngày càng nổi lên như 1 ngành trụ cột chiến lược ở Trung Quốc, với 82,03 triệu khách du lịch nước ngoài đến nước này và du khách nội địa chi hơn 4.910 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023.

Khách du lịch tham quan một danh lam thắng cảnh ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc,. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khách du lịch tham quan một danh lam thắng cảnh ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc,. (Ảnh: THX/TTXVN)

Du lịch đang ngày càng nổi lên như một ngành trụ cột chiến lược ở Trung Quốc, đóng vai trò là tâm điểm cho sự phát triển chất lượng cao của đất nước này.

Kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa vào năm 1978, đặc biệt là từ năm 2012, ngành du lịch Trung Quốc đã bước vào chặng đường phát triển nhanh. Trung Quốc đã trở thành thị trường du lịch nội địa lớn nhất thế giới, nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất và là một trong những điểm đến chính của du khách quốc tế.

Trong những thập kỷ qua, người dân Trung Quốc đã chứng kiến những cải thiện chưa từng có về mức sống, xóa bỏ tình trạng nghèo đói và hiện thực hóa một xã hội khá giả. Du lịch đã trở thành nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc nhằm tìm kiếm một chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Trong giai đoạn 2012-2021, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của doanh thu du lịch nội địa Trung Quốc ở mức 10,6%, trong khi giai đoạn 2012-2019, số lượng chuyến du lịch nội địa tăng gấp đôi.

Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận 4,89 tỷ chuyến du lịch nội địa, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 93,3% so với năm trước đó. Hơn thế nữa, du khách nội địa của Trung Quốc đã chi hơn 4.910 tỷ nhân dân tệ (khoảng 691 tỷ USD) trong suốt cả năm 2023, phản ánh mức tăng đáng chú ý là 140,3% so với năm trước đó.

Sự ưa chuộng đối với trang phục truyền thống của Trung Quốc, các di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng, những thị trấn và đường phố cổ được bảo tồn tốt đã tạo nên sức sống cho ngành du lịch Trung Quốc. Sự xuất hiện các điểm nóng du lịch văn hóa nhấn mạnh tiềm năng và động lực to lớn của sự phát triển kinh tế Trung Quốc.

Thị trường du lịch nước này phát triển mạnh mẽ còn được củng cố nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện, thu nhập của người dân tăng lên và việc giới thiệu các sản phẩm du lịch sáng tạo cùng nhiều yếu tố khác. Sự xuất hiện của du lịch thông minh thể hiện một khía cạnh mới của tiêu dùng, với các công nghệ như thực tế tăng cường, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo được tích hợp, từ đó thúc đẩy những trải nghiệm tương tác mới và phong phú.

Các điểm du lịch không chỉ dừng lại ở cảnh quan thiên nhiên truyền thống và di tích văn hóa mà còn mở rộng sang các vùng nông thôn, điểm tham quan băng tuyết, địa điểm cách mạng và công viên giải trí theo chủ đề.

Giữa bối cảnh Trung Quốc tiếp tục nỗ lực cải thiện hệ thống du lịch hiện đại và thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, tiêu dùng du lịch dự kiến sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu nội địa. Người ta ước tính rằng cứ 1 nhân dân tệ thu nhập từ ngành du lịch sẽ kích thích 4,3 nhân dân tệ doanh thu trong các ngành liên quan.

Trong khi đó, nhờ cam kết cởi mở, ngành du lịch đang phát triển của Trung Quốc cũng là cơ hội để tăng cường học hỏi lẫn nhau và trao đổi giữa các nền văn hóa.

Năm 2023, Trung Quốc đón 82,03 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, trong khi người dân trong nước thực hiện 100,96 triệu chuyến đi ra nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.