Du lịch Điện Biên: Nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai

Với những tiềm năng to lớn, đặc biệt là hệ thống di tích chiến trường Điện Biên Phủ, du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Du lịch Điện Biên: Nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai ảnh 1Tượng đài chiến thắng trên đồi D1 của Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, du lịch - “ngành công nghiệp không khói” đã và đang mở cho địa phương một hướng phát triển bền vững. Với những tiềm năng to lớn, đặc biệt là hệ thống di tích chiến trường Điện Biên Phủ, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

Du lịch lịch sử - thế mạnh cần được phát huy

Cách đây 60 năm, tại mảnh đất Điện Biên, Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp xâm lược và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu." Chiến tranh qua đi để lại trên địa bàn tỉnh Điện Biên một hệ thống các di tích lịch sử vô cùng đồ sộ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Nằm ở cửa ngõ vào trung tâm lòng chảo Mường Thanh trên quốc lộ 279 là cụm tượng đài kéo pháo sừng sững trên triền đồi Bó Hôm (thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên). Cụm tượng đài này mô phỏng lại cảnh Trung đội pháo binh của ta đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Khuôn mặt, dáng vẻ của các nhân vật được đặc tả khác nhau, nhưng tư thế và ý chí thì đều thể hiện rõ đang dồn tâm, sức để kéo, chèn, quan sát, đảm bảo cho khẩu pháo nặng hàng tấn vượt dốc an toàn.

Vào trung tâm khu vực lòng chảo Mường Thanh, du khách sẽ được mục sở thị những di tích chiến trường nằm trong thành phố Điện Biên Phủ. Từ đây, trong bán kính khoảng 10km, du khách sẽ dễ dàng đến các điểm di tích khác như Đồi D1- nơi đặt tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đồi A1 trên đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nơi là Sở chỉ huy quân Pháp trước đây; hầm De Castries - trung tâm đầu não của quân Pháp, nơi tướng De Castries cùng Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống chiều 7/5 lịch sử; cầu Mường Thanh lịch sử; nghĩa trang liệt sỹ A1; Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ...

Đặc biệt, nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) là quần thể di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi làm việc của Bộ Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch đã đưa ra những quyết định quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...

Các di tích này luôn có giá trị hiện hữu đối với thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của quân và dân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ; đồng thời là thế mạnh để ngành du lịch tỉnh Điện Biên phát triển.

Đưa Điện Biên trở thành trọng điểm về du lịch

Nhằm bảo tồn, khai thác hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, ngay từ sau năm 1964, tỉnh Điện Biên đã quan tâm đến vấn đề trùng tu, tôn tạo, để không chỉ phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu, mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cùng với việc đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của các di tích lịch sử, giới thiệu những nội dung, sự kiện liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ, tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.

Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết 60 năm qua, Điện Biên rất vinh dự, tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Để bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử nói chung, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Di sản, cũng như văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Nhất là, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), tỉnh đã nghiêm túc triển khai, thực hiện và đến nay nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng như Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hầm De Castries, Nghĩa trang liệt sỹ A1... Nhờ đó, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ các hoạt động du lịch cũng ngày một tăng lên.

Riêng năm 2013, Điện Biên đã đón trên 380.000 lượt khách du lịch, trong đó có 66.700 lượt khách quốc tế, với doanh thu trên 400 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết 10 năm qua, các chỉ tiêu về du lịch của tỉnh Điện Biên đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, tổng số khách du lịch từ năm 2004-2013 đã tăng từ 178.000 lên 380.000 lượt, trong đó khách nước ngoài tăng từ 10.000 lên 66.000 lượt đến với Điện Biên; thu nhập xã hội từ du lịch tăng từ 30 tỷ đồng lên gần 434 tỷ đồng.

Năm 2014, với việc tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014), tỉnh Điện Biên dự kiến sẽ đón khoảng 440.000 lượt khách đến tham quan và đem lại thu nhập xã hội khoảng 540 tỷ đồng từ khai thác dịch vụ du lịch.

Chia sẻ về hướng phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, ông Phạm Văn Hưng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết trong thời gian tới, tỉnh xác định sẽ từng bước đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Trong Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã xác định xây dựng Điện Biên trở thành một trong ba địa bàn trọng điểm phát triển du lịch (Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn) của Vùng du lịch Trung du, miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch lịch sử, gắn với quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2020 đón 220.000 khách quốc tế và 650.000 khách nội địa; năm 2030 đón trên 300.000 lượt khách quốc tế và 1,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Thu nhập xã hội của địa phương từ hoạt đông du lịch năm 2020 đạt 900 tỷ đồng và năm 2030 đạt 2.000 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2015 tăng số buồng lưu trú du dịch đạt 2.900 buồng, trong đó có khoảng 70% buồng được xếp hạng và khoảng 15% buồng đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao. Tỉnh cũng sẽ xây dựng đề án, phương án cụ thể, đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch lịch sử ở Điện Biên để mọi tổ chức, cá nhân chung tay góp sức thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo và khai thác, phát huy ngày càng hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị lịch sử cách mạng, văn hóa trên địa bàn...

Cần sự chung tay, góp sức

Tuy nhiên, sự phát triển du lịch lịch sử trong thời gian qua ở Điện Biên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có.

Lý giải điều này, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch bảo tôn, tôn tạo các hiện vật, di tích lịch sử, nhất là di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng do kinh phí tốn kém, nguồn ngân sách hạn chế nên công tác trùng tu, xây dựng đang gặp nhiều khó khăn.

Cũng do thiếu vốn nên việc đầu tư mới chỉ tập trung cho các di tích quan trọng, gần trung tâm, còn những di tích lịch sử khác hầu như chưa có quy hoạch, kế hoạch trùng tu, tôn tạo.

Bên cạnh đó, hiện nay những nhân chứng lịch sử, chứng cứ khoa học liên quan đến các di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng ít, nên cũng khó khăn trong việc lập hồ sơ khoa học để bảo tồn, tôn tạo... Bởi vậy, địa phương rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, cũng như những tổ chức, cá nhân trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trước khi bị mai một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.