Du lịch ghi nhận tín hiệu tích cực trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Kỳ nghỉ lễ năm nay, nhiều điểm du lịch ghi nhận những tín hiệu tích cực, với lượng khách khá đông; có nơi lượng khách không đạt kỳ vọng nhưng chất lượng khách đã tốt hơn, sử dụng dịch vụ cao cấp hơn.
Các mô hình diều nghệ thuật được thả trình diễn tại công viên biển Đông (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Kỳ nghỉ lễ năm nay, các địa phương đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về du lịch, với lượng khách khá đông. Ngay cả những nơi có lượng khách không đạt kỳ vọng, thì chất lượng khách cũng đã tốt hơn.

Khách du lịch đến Đà Nẵng dịp lễ tăng hơn 3 đến 4 lần

Chiều 2/5, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, hoạt động du lịch tại Đà Nẵng rất sôi động và nhộn nhịp với nhiều chương trình, sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc, hấp dẫn.

Theo Giám đốc Sở Trương Thị Hồng Hạnh, thành phố đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố vào dịp lễ cao điểm, nên các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, ổn định; khách đến tham quan du lịch Đà Nẵng tăng cao, chủ yếu là khách đến từ các tỉnh, thành lân cận khu vực miền Trung, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng lượng khách tham quan, du lịch thành phố Đà Nẵng trong 4 ngày nghỉ lễ (30/4-3/5) ước đạt hơn 254 nghìn lượt khách, tăng hơn 3-4 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách nội địa đạt khoảng 246,6 nghìn lượt khách, tăng hơn 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt khoảng 7,4 nghìn lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021 do năm ngoái chưa mở lại các đường bay quốc tế.

Một số khu điểm ước đạt lượng khách cao trong cả kỳ nghỉ lễ như: Sun World Bà Nà Hills đón khoảng 50.000 khách, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón khoảng 25.000 khách, Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 13.000 khách, Mikazuki Water Park 365 đón khoảng 15.000 khách… Khách đường thủy nội địa ước đạt 7.000 lượt khách.

Công suất phòng khối 4-5 sao ước đạt trên 70%, trong đó khách sạn ven biển đạt trên 90%, khách sạn ở khu vực trung tâm công suất khoảng 40-50%. Trước lễ, một số khách sạn ghi nhận tình trạng hủy phòng khoảng 3-5% trong ngày 1-2/5 do dự báo thời tiết không thuận lợi, mưa to nhiều nơi.

Một số đơn vị lữ hành lớn như chi nhánh Vietravel, Công ty Saigontourist, Công ty Cổ phần Vietnam Travelmart… mỗi đơn vị đã đón và phục vụ 40-50 đoàn khách, tương đương 4.000-4.500 khách đặt dịch vụ theo nhu cầu trong dịp lễ 30/4-1/5.

Việc khách du lịch tăng dần trở lại đã góp phần sớm khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng.

Gần 900.000 lượt khách du lịch đến Thanh Hóa đợt nghỉ lễ 30/4-1/5

Chiều 2/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, có gần 900.000 lượt khách du lịch đến Thanh Hóa. Lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tại các khu, điểm du lịch của tỉnh tăng đột biến trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Bãi biển Thanh Hóa đông kín người. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Tổng lượt khách trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 đạt 898.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 577.400 lượt khách, tăng 85,6% so với năm 2021. Tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng, tăng 123,2% so với năm 2021.

Một số khu du lịch trọng điểm ở Thanh Hóa thu hút đông lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng gồm Khu du lịch biển Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn) đón 650.000 lượt khách, Khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoàng Hóa) đón 75.000 lượt khách, Khu du lịch biển Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn) đón 63.600 lượt khách, Khu du lịch Pù Luông (huyện Bá Thước) đón 7.350 lượt khách, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón 13.200 lượt khách, thành phố Thanh Hóa đón 37.800 lượt khách…

Như vậy, sau hơn 2 năm trầm lắng do dịch COVID-19, hoạt động du lịch Thanh Hóa đã bắt đầu sôi động trở lại và thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với du khách.

Ngành du lịch Thanh Hóa rất kỳ vọng sự "tăng nhiệt" của thị trường khách du lịch dịp 30/4-/5 này sẽ mang đến những khởi đầu ấn tượng tạo đà cho mùa hè du lịch sôi động sắp tới.

Được biết, thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 song ngành du lịch Thanh Hóa đã nỗ lực, cố gắng để thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa khôi phục, ổn định hoạt động hoạt động kinh doanh vừa phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu năm 2022 sẽ đón trên 10 triệu lượt du khách, trong đó hơn 440.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 18.000 tỷ đồng.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Bảo đảm an toàn cho người dân và du khách trong kỳ nghỉ lễ

Lượng khách về Bà Rịa-Vũng Tàu không đông như kỳ vọng. tuy nhiên, theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh, chất lượng khách có phần tăng hơn. Theo đó, khách năm nay đa phần là đi theo gia đình, có sự chuẩn bị trước trong việc đặt phòng khách sạn cũng như sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn. Khách đi lẻ, khách bình dân có xu hướng giảm.

Các bãi tắm, bãi giữ xe cũng như các nhà hàng ăn uống không lâm vào tình trạng ùn ứ khách như dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, nhưng doanh thu và lượng khách đặt phòng không vì thế mà giảm.

Theo đại diện Ban Quản lý các Khu du lịch huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc, công tác quản lý về trật tự, giá cả tại các khu bãi tắm, các nhà hàng, khách sạn cũng đã được đảm bảo, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện đầy đủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Sau ba ngày lễ, huyện chưa nhận được phản ánh nào của du khách về tình trạng bán phá giá hay ép giá khách khi sử dụng dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các lực lượng chức năng của các huyện, thị, thành phố bố trí lực lượng trực 24/24, kịp thời hỗ trợ khách du lịch, giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Địa phương tăng cường phối hợp từ cấp xã, đến huyện và tỉnh nhằm bảo đảm tốt nhất các điều kiện phục vụ du lịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách trong kỳ nghỉ lễ.

Các lực lượng chức năng địa phương cần thường xuyên kiểm tra nắm tình hình giá cả dịch vụ, chú ý bố trí lực lượng cấp cứu thủy nạn đảm bảo yêu cầu kỹ năng, nghiệp vụ, phản ứng nhanh, hiệu quả khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, các huyện, thị, thành phố và Sở Du lịch đều có đoàn liên ngành đi nhắc nhở kiểm tra các cơ sở về việc tổ chức bán đúng giá niêm yết.

Hiện nay, qua một thời gian dài dịch bệnh, các nhu cầu du lịch của người dân cũng thay đổi, Sở đã động viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch làm mới các sản phẩm du lịch cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng tính an toàn cho du khách.

Vừa qua, Sở đã làm việc với Hiệp Hội Du lịch và các công ty lữ hành để làm mới các tour tuyến làm sao đảm bảo an toàn và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho du khách.

Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy tổng lượt khách tham quan du lịch, giải trí, lưu trú tại các khách sạn, khu du lịch, bãi tắm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ước tính từ ngày 29/4 đến ngày 2/5) đón và phục vụ khoảng 284 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 231 tỷ đồng.

Riêng ngày 2/5, toàn tỉnh đón và phục vụ khoảng 91 nghìn lượt khách, doanh thu đạt khoảng 82 tỷ đồng. 

Báo cáo chưa so sánh mức độ tăng giảm lượng khách, song giới kinh doanh du lịch đánh giá lượng khách về Bà Rịa-Vũng Tàu du lịch, nghỉ dưỡng không nhiều như kỳ vọng. Trong đó giảm sâu nhất là phân khúc khách đi du lịch ngẫu hứng, đi xe máy, đến nơi mới đặt phòng. Nguyên nhân khách giảm do trời mưa, nhiều người ngại đi xa.  

Điều đáng ghi nhận là các hoạt động du lịch, vui chơi, tắm biển diễn ra an toàn. Lực lượng cứu hộ ứng trực 100% tại các ao xoáy, dòng chảy nguy hiểm, thường xuyên theo dõi con nước dịch chuyển cờ hiệu, phao tiêu phân luồng, cắm cờ đen, phát loa cảnh báo khu vực nguy hiểm đến du khách.

Công tác phân luồng giao thông khoa học, phương tiện chấp hành tốt. Cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch chấp hành tốt việc kê khai, đăng ký giá, niêm yết giá công khai tại nơi dễ nhìn. Đường dây nóng du lịch chưa tiếp nhận được cuộc gọi nào khiếu nại về giá bán dịch vụ cao, quảng cáo một đàng bán dịch vụ chất lượng một nẻo.

Đặc biệt, điểm sáng đáng chú ý trong kỳ nghỉ này là đa phần khách đến du lịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu đều lưu trú dài ngày, để tận hưởng môi trường xanh- sạch-đẹp, an toàn- thân thiện của biển, thưởng thức hải sản và các dịch vụ vui chơi, giải trí tại địa phương.

Trong dịp lễ 30/4-1/5, Quảng Bình đón khoảng 115.000 lượt du khách

Ngày 2/5, Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5, tổng số khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Quảng Bình ước đạt 115.000 lượt khách, tăng 4,6% so với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2021.

Du khách khám phá, trải nghiệm các tuyến du lịch tại Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Các điểm du lịch tại Quảng Bình thu hút đông khách du lịch như động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày-hang Tối, các khu vực diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ V huyện Bố Trạch và Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Ngoài ra, các điểm tham quan du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và một số sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng có lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Quảng Bình chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa; khách từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam di chuyển bằng đường hàng không và khách nội tỉnh. Các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên hoặc các homestay, farmstay, cơ sở lưu trú có cảnh quan đẹp, gần gũi với thiên nhiên tại Phong Nha-Kẻ Bàng có công suất phòng từ 95% trở lên.

Riêng ngày 30/4, tại Ga Đồng Hới, hơn 360 du khách của sản phẩm du lịch thuê chuyến tàu hỏa trọn gói (charter) của Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội UNESCO và các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội đã đặt chân đến Quảng Bình trên đoàn tàu mang số hiệu SE17.

Đây là đoàn du khách đầu tiên được tổ chức theo hình thức tàu du lịch charter trong năm 2022. Theo Sở Du lịch Quảng Bình, dự kiến từ tháng 5 đến tháng 7, mỗi tháng sẽ có 2 đến 3 đoàn đến Quảng Bình bằng hình thức tàu charter du lịch.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách trong dịp nghỉ lễ, các đơn vị vận tải đường bộ chặng Hà Nội-Đồng Hới đã tăng chuyến và bổ sung thêm các chuyến khởi hành vào buổi sáng ngày 30/4 và 1/5.  

Các hãng hàng không cũng tăng chuyến các chặng Đồng Hới-Hà Nội, Đồng Hới-Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 14-18 chuyến bay/ngày. Cao điểm trong ngày 30/4 có 18 chuyến bay (9 chuyến khứ hồi) đi và đến sân bay Đồng Hới, trong đó có 8 chuyến chặng Hà Nội-Đồng Hới và 10 chuyến chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Hới.

Tuy nhiên, từ ngày 1-2/5, tại địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã xảy ra mưa lớn, điều kiện thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến lộ trình tham quan, trải nghiệm dịch vụ của khách du lịch; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài trời gặp trở ngại, có nơi phải tạm dừng hoạt động vì mưa lớn, gió to...

Trước đó, để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước...

Sở Du lịch Quảng Bình cũng đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra công tác chuẩn bị đón khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch đảm bảo các hoạt động an toàn, đúng quy định và phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Cùng với đó, đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Quảng Bình; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố để thu hút khách du lịch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục