Ngành du lịch-dịch vụ và công nghiệp Đà Nẵng phục hồi nhanh chóng

Đến nay, đã có hơn 50% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động trở lại và dự kiến sắp tới, sẽ có 7 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến thành phố này.
Ngành du lịch-dịch vụ và công nghiệp Đà Nẵng phục hồi nhanh chóng ảnh 1Khách du lịch vui chơi tại các bãi biển Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ năm nay. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Sau 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế của thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Một số lĩnh vực có những chuyển biến khả quan nhưng nhiều ngành nghề khác chưa thể phục hồi như giai đoạn trước dịch COVID-19 khiến đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn.

Trong quý 2/2022, thành phố Đà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp tăng tốc, sớm phục hồi nền kinh tế và nỗ lực hoàn thành mục tiêu trong năm 2022 để đạt mức tăng trưởng từ 6-7%.

Nhanh chóng phục hồi ngành du lịch-dịch vụ

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), chính quyền thành phố cần đẩy nhanh các chính sách phục hồi một cách kịp thời, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi.

Thành phố phải chứng minh cho cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ sự nỗ lực phục hồi, nhất là trong việc khơi thông chuỗi sản xuất, thị trường tiêu thụ… Đà Nẵng cần sớm khôi phục du lịch, làm tiền đề để khôi phục ngành thương mại, dịch vụ.

Song song với đó, Phó giáo sư, tiến sỹ Võ Thị Thúy Anh cho rằng thành phố đẩy nhanh các dự án động lực tạo điểm nhấn cho du lịch như Dự án Làng Vân, Quảng trường trung tâm, nâng cấp sân bay Đà Nẵng...; đồng thời, khơi thông các điểm nghẽn để nhanh chóng đưa vào khai thác các tour du lịch quanh bán đảo Sơn Trà, trên Vịnh Đà Nẵng, dọc các tuyến đường sông; phát triển thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm, sáng tạo, du lịch trên nền tảng số.

Ngành du lịch cũng cần nhanh chóng phục hồi nguồn nhân lực, thu hút lao động chất lượng cao, đào tạo chuyên sâu những nhóm kiến thức kỹ năng mới.

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, ngành du lịch đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt, từ giữa tháng 3/2022 đến nay lượng khách đang tăng dần. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 4/2022 ước đạt 1.486,9 tỷ đồng, tăng 31,2% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch tháng 4/2022 ước đạt 138,5 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng trước và tăng 60,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết đến nay, đã có hơn 50% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại. Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường khi khôi phục trở lại các đường bay quốc tế.

Dự kiến từ nay đến tháng 10/2022, sẽ có 7 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật, Malaysia... và 1 đường bay mới từ Ấn Độ đến Đà Nẵng. Tần suất bay quốc tế là 90 chuyến/tuần và tần suất bay nội địa là hơn 230 chuyến/tuần.

[Du khách hào hứng tận hưởng kỳ nghỉ lễ tại thành phố biển Đà Nẵng]

Đà Nẵng đang chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách từ tháng Năm này như: khai thác tuyến du lịch từ bến thủy nội địa CT15-Bãi Đa (Sơn Trà); khai trương Bãi biển đêm Mỹ An, phố du lịch An Thượng...

Trong đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5, thành phố tổ chức các sự kiện như: Cuộc thi Ironman, Lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng,” “Đường chạy sắc màu,” Giải đua thuyền buồm trên sông Hàn...

Sở Du lịch cũng đang đề xuất thành phố Đà Nẵng vận động thành lập Quỹ tổ chức lễ hội, sự kiện để chủ động tổ chức/đăng cai các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc quy mô quốc gia, quốc tế.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao

Một số hoạt động kinh tế khác như sản xuất công nghiệp của thành phố Đà Nẵng cũng đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong tháng 4/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 4 tháng đầu năm nay, IIP toàn ngành tăng 2,35% so với cùng kỳ.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, lũy kế đến nay, các khu công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố đã thu hút 507 dự án; trong đó, có 378 dự án trong nước với tổng vốn trên 28.000 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn trên 1.800 triệu USD.

Ông Phạm Trường Sơn cho biết trong quý 2/2022, ban sẽ tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, nghiên cứu thị trường trọng tâm, trọng điểm, chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp thành phố, nghiên cứu ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong thống kê; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục đầu tư của 3 khu công nghiệp mới và sớm đưa vào hoạt động Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng; mở rộng Khu công nghệ cao... để tạo nguồn quỹ đất cung cấp cho các nhà đầu tư.

Ngành du lịch-dịch vụ và công nghiệp Đà Nẵng phục hồi nhanh chóng ảnh 2Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết các cấp, các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp khôi phục tăng trưởng kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình động lực, trọng điểm; phát huy vai trò kích thích của đầu tư công trong tăng trưởng và tái phục hồi hiện nay; nhất là các dự án có ý nghĩa liên vùng.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố cùng các ngành nỗ lực tổ chức Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng trong tháng 6/2022 và tiếp tục xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp. Kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch thành phố cần được triển khai hiệu quả, đa dạng và đặc sắc.

Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thành việc lập Quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo trong tháng 5/2022.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục