Du lịch mùa nghỉ lễ 2/9: Làm sao để “không ăn phải trái đắng”?

Thời gian qua, rất nhiều trường hợp "dính bẫy" khi mua tour du lịch, đặt phòng, làm dịch vụ visa… “ảo” trên mạng. Người dân nhẹ dạ, mất cảnh giác, trong khi đối tượng lừa đảo thì ngày càng tinh vi.
Du khách tham khảo thông tin tour trên mạng. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Du khách tham khảo thông tin tour trên mạng. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Càng tới gần những dịp nghỉ lễ như 2/9, Tết Dương lịch, không khí mua bán, trao đổi thông tin trên các hội nhóm du lịch càng sôi động, nhưng cũng ẩn chứa nhiều chiếc “bẫy” vô cùng tinh vi, mà chỉ cần thiếu tỉnh táo cộng với chút lòng tham là khách hàng đã tự biến mình thành “con mồi béo bở.”

Khách hàng ngỡ ngàng “ăn quả đắng”

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn về du lịch nhan nhản thông tin quảng cáo tour khuyến mại, khách sạn giá rẻ, dịch vụ làm visa tỉ lệ “đậu” cao... Đáng chú ý, cùng một điểm đến, số ngày lưu trú và chất lượng dịch vụ, song mức giá chênh lệch giữa các tour lại khá cao.

N.M.Đ (Hà Nội) cho biết thông qua các hội nhóm chuyên du lịch trên mạng, anh có làm hồ sơ từ sớm để đi tour châu Âu cho dịp nghỉ lễ 2/9 của một nhân viên sale tự quảng cáo “uy tín, trách nhiệm, cam kết được việc 100%.” Ngay lập tức cọc 30 triệu đồng để mong “được việc,” song kết quả anh Đ “trượt” visa.

[“Hữu xạ tự nhiên hương”: Du lịch Việt gây ấn tượng với quốc tế]

“Ông nhân viên kia cứ khất lần 5-7 lượt, hẹn hò rất chắc nịch nhưng hơn 2 tháng rồi tôi vẫn chưa nhận lại được một xu. Tới giờ thì tôi khẳng định bị bùng tiền, bị lừa…” anh Đ thở dài nói.

Chính sự nhẹ dạ cả tin, chủ quan không tìm hiểu rõ danh tính của những người bán hàng trên mạng đã khiến nhiều người như anh Đ mất tiền oan. Như trường hợp chị H.N ở Hàn Quốc cùng chồng về Việt Nam du lịch có mua tour giá rẻ của một tài khoản mạng Facebook có tên Lan Nguyễn (Mẹ Rốt).

Du lịch mùa nghỉ lễ 2/9: Làm sao để “không ăn phải trái đắng”? ảnh 1Một trường hợp bị lừa mua "tour đểu" trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

“Ban đầu khi tư vấn bạn này nói tôi chuyển cọc trước 50% nhưng khi chuyển xong lại báo chuyển nốt 50% nữa với lý do phía đối tác báo phải thanh toán đủ mới làm được thủ tục. Lúc đó tôi chưa về nước, cũng phần vì tin người nên đã không gọi check lại thông tin, thế là chuyển luôn 100% tiền tour. Ngay sau lệnh chuyển khoản thành công tôi bị tài khoản Lan Nguyễn kia chặn luôn không thương tiếc,” chị H.N ngậm ngùi nói.

Trớ trêu hơn chị H.N, gia đình anh Phan Văn Minh còn “ăn phải quả đắng” khi vào tận Vinpearl Nha Trang rồi mới biết bị người có tên Nguyễn Thu Thảo lừa. Nhờ Thảo đặt phòng và đã chuyển khoản 13,5 triệu đồng nhưng khi vào tới nơi anh Minh “ngã ngửa” khi lễ tân báo anh chưa thanh toán tiền phòng.

“Cả tôi và lễ tân gọi Thảo đều không nghe máy. Thậm chí cô lễ tân còn bảo số điện thoại này từng lừa một số người rồi. Do đã vào tới nơi làm gì còn đường lui nên tôi không còn cách nào khác phải tự đặt lại phòng và thanh toán tiền thêm một lần nữa. Hiện cô ta đã thu hồi hình ảnh chụp căn cước công dân từng gửi cho tôi qua tin nhắn messenger và cũng hủy kết bạn zalo với tôi rồi,” anh Mạnh kể lại.

Không có chuyện bán lỗ để kích cầu

Thời gian vừa qua, những trường hợp bị lừa mua tour du lịch, đặt phòng, làm dịch vụ visa… “ảo” như trên không hiếm. Các cơ quan quản lý Trung ương như Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các cơ quan chức năng địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang, Hà Nội… cũng đã liên tục cảnh báo du khách. Thậm chí, một số cơ quan còn triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Gỡ các bài đăng trên mạng có nội dung không chính xác về du lịch Phú Quốc, đăng tải đường dây nóng giúp khách du lịch nắm thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hiện tượng lừa đảo… là cách mà Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đã kết hợp làm với Sở Thông tin và Truyền thông.

Du lịch mùa nghỉ lễ 2/9: Làm sao để “không ăn phải trái đắng”? ảnh 2Dịch vụ làm visa trên mạng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

“Trước những tour giá rẻ giật mình đến mức phi lý kiểu như đi Phú Quốc chỉ hơn 2 triệu đồng bao gồm cả vé máy bay, khách sạn 5 sao 3 ngày 2 đêm, thì khách hàng cần tỉnh táo. Bởi doanh nghiệp không thể đổ nước lã vào chạy máy bay, cũng không ai làm không công để phục vụ người dân đến du lịch, kể cả các chương trình kích cầu của địa phương cũng không thể bán lỗ để kích cầu. Vì thế tôi hy vọng, khách hàng hãy là những người sử dụng dịch vụ thông minh,” ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) nhấn mạnh.

Đáng nói, phổ biến nhất trên mạng hiện nay là hình thức mua đi bán lại voucher giảm giá tour du lịch, nhà hàng, khách sạn. Với loại voucher này, các chuyên gia lưu ý người mua hãy liên lạc với nhà cung cấp gốc là nhà hàng, khách sạn nơi phát hành voucher để xác minh ít nhất ba thông tin: Voucher này còn hạn sử dụng không; có chấp nhận cung cấp dịch vụ cho khách mua lại voucher không; điều kiện áp dụng voucher là gì.

Đặc biệt, nếu có bất kỳ điều khoản bất lợi hoặc điều kiện bất minh nào như phụ thu không ghi rõ trên voucher, hoặc không thể sử dụng voucher trong ngày lễ, ngày nghỉ thì người dân đừng cố mua, mà hãy là người tiêu dùng thông thái.

Nhận diện “bẫy lừa”

“Cõi mạng” mênh mông, con người thậm chí chẳng cần phải xuất hiện với nhân dạng thật đã tạo điều kiện cho vấn nạn lừa đảo hoành hành. Mặc cho các cơ quan quản lý du lịch, Bộ Công An liên tục cảnh báo, mặc cho các hội nhóm bóc phốt mọc lên như nấm, thì bằng những chiêu thức ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo và cũng bởi sự nhẹ dạ, mờ mắt trước những “món ngon giá rẻ” mà người dân vẫn liên tục “dính bẫy.”

Nhằm giúp người dân nhận diện “bẫy lừa,” Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo một số phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường xuyên sử dụng.

Du lịch mùa nghỉ lễ 2/9: Làm sao để “không ăn phải trái đắng”? ảnh 3Trực tiếp nghe nhân viên của các đơn vị lữ  hành uy tín tư vấn góp phần giúp người dân hạn chế rủi ro bị lừa đảo qua mạng. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo đó, phương thức lừa phổ biến nhất mà các đối tượng trên mạng hay sử dụng là đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ với nhiều tiện ích kèm theo để “đánh vào lòng tham,” sau đó đề nghị nạn nhân chuyển tiền từ 30-50% giá trị để đặt cọc tour, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền.

Các đối tượng lừa đảo cũng thường chọn cách đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, những đối tượng này lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Các đối tượng cũng làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa dấu vết.

Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake và thực hiện cuộc gọi video (có hình ảnh) để nạn nhân tưởng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền.

Thậm chí, các đối tượng còn mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn. Nếu liên hệ, các đối tượng sẽ gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất vé nên sẽ tự động hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay./.

Du lịch mùa nghỉ lễ 2/9: Làm sao để “không ăn phải trái đắng”? ảnh 4Tỉnh táo, hạn chế lòng tham để tránh "bẫy lừa" giúp khách du lịch có những trải nghiệm bình yên. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục