Theo Thời báo Hoàn cầu, Tân Hoa Xã và Liên hợp Buổi sáng, trong vòng 7 đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ diễn ra tại thủ đô Washington từ ngày 21-24/2 trong bối cảnh sắp tới thời hạn chót "đình chiến," hai bên đang nỗ lực vượt qua những bất đồng nhằm tiếp tục phác thảo ra bản thỏa thuận cuối cùng để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã kéo dài suốt 7 tháng qua.
Dưới đây là tổng hợp một số dư luận liên quan:
1. Về xu hướng, nguyên tắc đàm phán
Thời báo Hoàn cầu ngày 19/2 đăng bài bình luận cho rằng cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ từ khi khơi mào đến nay giống như cuộc đua marathon, kết quả không phụ thuộc vào phút cuối mà là sự tích lũy của cả chặng đường dài.
Đây là cuộc xung đột thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử, thể hiện sức mạnh và ý chí của cả hai bên. Mỹ không dễ dàng bỏ cuộc, Trung Quốc cũng không dễ cam chịu thất bại, việc kéo dài cuộc xung đột này chắc chắn khiến hai bên cùng thua.
Các cuộc đàm phán từ tháng 12/2018 đến nay đã giải quyết nhiều bất đồng, vẽ ra một diện mạo mới cho hợp tác thương mại giữa hai bên.
Trong giai đoạn đàm phán cuối cùng, hai bên cần bình tĩnh, nắm chắc những nguyên tắc sau:
- Trân trọng những kết quả đàm phán không dễ dàng đạt được
- Cần làm rõ nội hàm cơ bản của đàm phán, mục tiêu cơ bản của việc đạt được thỏa thuận, có nghĩa là khiến hợp tác thương mại song phương ngày càng công bằng và thuận tiện.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải cải cách mang tính cấu trúc thì Mỹ cũng cần cải cách tương tự để khiến thương mại song phương cân bằng.
Đàm phán thương mại song phương không nên biến thành sức ép Trung Quốc thay đổi phương thức quản lý kinh tế, thậm chí là đường hướng phát triển đất nước.
[Tổng thống Mỹ lạc quan về đàm phán thương mại với Trung Quốc]
Trung-Mỹ tiến hành đàm phán toàn diện, tổng hợp, cần xem xét đến mối quan tâm của cả hai bên, càng về sau càng cần quan tâm đến nguyên tắc cùng thắng. Mỹ thường lo ngại về vấn đề thực hiện.
Để xóa bỏ điều đó, ngoài việc thêm biện pháp giám sát thực hiện, điều quan trọng là xây dựng tốt tính chất cùng thắng trong thỏa thuận nhằm tăng tính tích cực của xã hội trong việc thực hiện thỏa thuận đó.
- Hai bên cần định hướng dư luận, dù có đạt được thỏa thuận cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề giữa hai nước. Hai bên không hạ thấp, cũng không thổi phồng về thỏa thuận này.
2. Về việc gia tăng thẩm quyền đàm phán của phía Trung Quốc
Liên hợp Buổi sáng ngày 20/2 dẫn đánh giá của một số chuyên gia Trung Quốc về việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Washington lần này với tư cách đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như sau:
- Phó Giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc Thành Hiểu Hà phân tích ông Lưu Hạc đến Washington lần này trên cương vị như vậy nghĩa là được tăng thêm nhiều quyền lực, trong một số vấn đề quan trọng ông không những đại diện cho Chính phủ Trung Quốc mà còn đại diện cho ông Tập Cận Bình.
Điều đó giúp tăng cường nhân tố chính trị trong đàm phán, qua đó có thể khiến hai bên ký được văn kiện quan trọng và đạt được tiến triển lớn hơn vòng đàm phán trước.
Tuy nhiên, khả năng hai bên đạt được thỏa thuận vào thời điểm ngày 1/3 tới là không cao, nhiều khả năng cần tăng thêm thời gian đàm phán.
- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia, Đại học Bắc Kinh Dư Diểu Kiệt cho biết trong vòng đàm phán tại Bắc Kinh vừa qua, hai bên đã bắt đầu thảo luận về Bản ghi nhớ (MOU), mong muốn thể hiện những kết quả đạt được trong 6 vòng đàm phán trước đây bằng hình thức văn bản, và coi đó là nền tảng để tiếp tục đàm phán.
Lần này, ông Lưu Hạc được gia tăng thẩm quyền có thể nhằm ký kết văn bản này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cho dù hai bên ký được MOU cũng không có nghĩa là Trung-Mỹ không còn tồn tại bất đồng.
Theo ông, chính sách Mỹ có thể áp dụng sau thời điểm 1/3 là: Tăng thuế từ 10%-25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; Chuyển sang không thu thêm thuế nữa; Kéo dài thời gian đàm phán. Trong đó khả năng thứ ba là cao nhất vì trên thực tế, việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc cam kết thay đổi mang tính cấu trúc cần thời gian, khó có thể hoàn thành trong 90 ngày.
3. Về khả năng đạt được thỏa thuận của hai bên
Thời báo Hoàn cầu ngày 22/2 đăng bài bình luận liên quan nội dung này, cơ bản như sau:
Trong khuôn khổ Vòng 7 đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ, truyền thông đưa tin đậm nét về việc hai bên chuẩn bị ký kết 6 MOU.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc còn tồn tại bất đồng, nhưng hai bên đang hướng đến việc đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.
Lâu nay dư luận hai nước luôn lo ngại về việc nước họ có thể “nhượng bộ quá nhiều”, đây là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những nước lớn như Trung Quốc và Mỹ nếu không gặp phải sức ép, trở lực lớn thì không dễ nhượng bộ.
Cuộc xung đột thương mại kéo dài gần một năm thể hiện quyết tâm và ý chí lớn lao của hai nước, nguyên tắc duy nhất để kết thúc cuộc xung đột thương mại này là cùng thỏa hiệp để tối đa hóa sự công bằng trong thương mại.
Tóm lại, nếu cuối cùng hai bên đạt được thỏa thuận thì vừa là kết quả của việc Trung Quốc đàm phán với Mỹ, vừa là kết quả của những biện pháp kiên quyết đáp trả trên quy mô toàn cầu trước sức ép của Mỹ, qua đó thể hiện sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc.
Với hai nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ, phần lớn kim ngạch thương mại do nhân dân thực hiện, khả năng định hướng từ chính sách của chính phủ hai nước là hữu hạn và cũng không thể thay thế nhân dân hai nước quyết định mọi thứ.
Thỏa thuận mà hai bên đạt được cần phù hợp thực tiễn. Thương mại cần được đối xử công bằng mới có thể bền vững, điều này sẽ kiểm soát mức độ mặc cả của đoàn đàm phán hai bên.
Do vậy, hai bên có thể không đạt được thỏa thuận hoặc sắp đạt được thỏa thuận đối đẳng, chứ không tồn tại khả năng một bên thắng lớn, một bên thua to.
Xét tình hình hiện nay, khả năng hai bên đạt được thỏa thuận ngày càng lớn, đó là lợi ích quan trọng mang tính giai đoạn đối với quan hệ Trung-Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề cũ trong quan hệ hai nước không còn thì vấn đề mới sẽ xuất hiện, thậm chí vấn đề cũ vẫn tồn tại thì đã nảy sinh vấn đề mới. Người ta mong đợi hai bên sẽ xử lý vấn đề một cách chín muồi./.