Dư luận về việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran, nhiều nước đã lên tiếng về quyết định trên.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt, nhiều nước đã lên tiếng về quyết định trên.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này đang nghiên cứu những tác động từ quyết định của Mỹ và sẽ đưa ra tuyên bố về vấn đề này vào thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Khí đốt tự nhiên và xăng dầu Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết New Delhi sẽ nhập khẩu thêm từ các nước xuất khẩu dầu lớn để bù vào lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho rằng quyết định trên của Mỹ chỉ gây ra tác động hạn chế.

[Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran]

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Seko cho biết Tokyo không cần sử dụng nguồn dự trữ dầu quốc gia sau quyết định của Washington.

Theo ông, Nhật Bản đã giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung dầu từ Iran, theo đó, hiện quốc gia tiêu thụ dầu nhiều thứ 4 thế giới này chỉ nhập khẩu khoảng 3% dầu từ Iran.

Dư luận về việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran ảnh 1Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường dầu mỏ quốc tế và sẽ trao đổi với các công ty Nhật Bản tham gia nhập khẩu dầu thô, cũng như cân nhắc các biện pháp thích hợp. 

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích quyết định của Washington về việc chấm dứt quy chế miễn trừ mua dầu mỏ của Iran. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh quyết định này sẽ không phục vụ sự hòa bình và ổn định của khu vực mà "gây hại cho người dân Iran."

Ankara phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp đặt cách thức xây dựng quan hệ với các nước láng giềng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định trên nhằm đẩy xuất khẩu dầu thô của Iran về con số 0.

Theo thủ lĩnh Hezbollah, việc Mỹ ngăn cản Iran và Venezuela xuất khẩu dầu, sẽ khiến nguồn cung giảm, đẩy giá dầu leo thang. Khi đó, chắc chắn thị trường Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, khi đó, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.

Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đồng ý đảm bảo nguồn cung dầu phù hợp cho thị trường nhằm bù đắp những tổn thất do thiếu nguồn xuất khẩu dầu của Iran trên thị trường toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.