Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, cho biết với bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước năm 2023 tiếp tục tập trung vào hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022 ảnh 1Tại buổi tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức,” ngày 10/11. (Ảnh: TTXVN)

Nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước và dự kiến dự toán năm 2023 cho người dân, Bộ Tài chính công bố dự kiến dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 với dự toán thu 1,62 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022.

Cụ thể, tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước là khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 13,3% GDP. Trên cơ sở đó, dự toán chi ngân sách Nhà nước của cả năm là 2,08 triệu tỷ đồng và tăng 16,3% so năm 2022.

Dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro

Bộ Tài chính dự báo bối cảnh kinh tế thế giới với chủ trương ưu tiên kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn đã được thắt chặt nhanh, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, một số thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái. Thêm vào đó, giá xăng, dầu và nhiều mặt hàng như lương thực, nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

[Quốc hội tán thành cao với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023]

Trong nước, bên cạnh nền tảng phục hồi  kinh tế từ năm trước, Việt Nam tiếp  tục đối mặt với thách thức từ nội tại nền kinh tế, như năng suất, chất  lượng, hiệu quả, sức chống chịu  và khả năng cạnh tranh chưa  cao. Ngoài ra, thị trường tài chính, thị trường vốn đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới,...

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022 ảnh 2(Nguồn: Bộ Tài chính)

Tại buổi tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và thách thức,” do Liên minh Minh bạch Ngân sách với sự chủ trì của Trung tâm Phát triển và Hội nhập, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam tổ chức, ngày 11/10, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, cho biết với bối cảnh đó, mục tiêu ngân sách Nhà nước năm 2023 tiếp tục tập trung vào hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm được điều này, ông Tân cho rằng ngân sách Nhà nước tiếp tục cơ cấu lại, trong đó nợ công sẽ gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Mặt khác, theo ông Tân mục tiêu ngân sách sẽ duy trì đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập.

Cơ cấu các chi tiêu tích cực hơn

Cũng tại cuộc tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho rằng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã có những đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu-chi ngân sách Nhà nước cũng như thuyết minh những nội dung thay đổi của các khoản thu chính. Hơn nữa, dự toán cũng đánh giá chi tiết và bổ sung mục tiêu cho ngân sách địa phương. Trên cơ sở những đánh giá và so sánh với ước thực hiện 2022, dự toán đã đưa ra cơ cấu các chi tiêu với những thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra một số hạn chế trong dự toán, như nội dung về chi đầu tư chưa được nêu cụ thể. Trong khi, Bộ Tài chính cũng chưa có những giải thích cho các chỉ tiêu ưu tiên đối với các lĩnh vực cũng như đưa ra danh mục cho dự toán chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cấp Trung ương.  

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022 ảnh 3(Nguồn: Bộ Tài chính)

“Thêm vào đó, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 cũng chưa giải thích rõ các chương trình mục tiêu và các ưu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh hậu COVID-19 với rất nhiều thách thức. Mặt khác, sự phân cấp về các khoản chi giáo dục, khoa học công nghệ trong dự toán rất khó theo dõi để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ chi/tổng chi ngân sách Nhà nước, trong khi dự toán thu vẫn quá thận trọng,” ông Cường nói.

Với các chỉ tiêu trong dự thảo đề ra, ông Nguyễn Minh Tân chia sẻ những nhóm giải pháp thực hiện, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Theo ông Tân, Chính phủ sẽ chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.

Về phía Bộ Tài chính, ông Tân khẳng định sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách Nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu.

“Hơn nữa, chi ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục cơ cấu lại gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách trên cơ sở tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia,” ông Tân nói.

Để làm được những điều này, ông Tân cho rằng hệ thống chính trị cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

“Công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo đó, hành lang pháp lý sẽ cần hoàn thiện đồng thời cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế,” ông Tân nhấn mạnh./.

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022 ảnh 4(Nguồn: Bộ Tài chính)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.