Đại biểu Quốc hội: Cần mở rộng quyền người trúng đấu giá biển số ôtô

Giá khởi điểm nên giao cho các địa phương tùy theo loại biển số, tùy theo sở thích mỗi khu vực, lúc đó họ có thể xác định mức giá khởi điểm khác nhau và không nên đưa vào trong luật mức giá cụ thể.
Đại biểu Quốc hội: Cần mở rộng quyền người trúng đấu giá biển số ôtô ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 7/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, bởi đáp ứng được nhu cầu có thật, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận không nhỏ người mua xe ôtô muốn sở hữu biển số xe ôtô theo mong muốn cá nhân.

Đồng thời, thông qua việc tổ chức đấu giá biển số xe ôtô sẽ giúp khai thác kho số một cách hiệu quả hơn, tăng thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện giao thông đường bộ, công khai, minh bạch trong cấp quyền sử sụng biển số ôtô.

Cân nhắc đưa vào luật mức giá khởi điểm

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, biển số xe ôtô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do Nhà nước quản lý, dù không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế.

Đại biểu cho rằng chủ trương đấu giá biển số ôtô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ôtô.

[Trước 45 ngày sẽ đưa dãy số để đấu giá biển số ôtô đẹp]

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc đấu giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giá khởi điểm chỉ là yếu tố ban đầu và khởi đầu để mọi người thấy rằng mình có thể tham gia hay không tham gia.

Nếu giá khởi điểm càng cao thì càng hạn chế số người tham gia còn nếu giá khởi điểm càng thấp sẽ có nhiều người tham gia hơn. Quan trọng là trong quá trình đấu giá đó, những người này có được cạnh tranh một cách bình đẳng hay không và khi được tự do cạnh tranh bình đẳng thì chỉ cần một mức giá khởi điểm phù hợp thì người ta vẫn có thể xác định được mức giá trúng cuối cùng ở mức cao nhất và hiệu quả nhất.

Do vậy, theo ông Cường, không nên tranh luận nhiều quá về mức giá khởi điểm. Giá khởi điểm nên giao cho các địa phương tùy theo loại biển số, tùy theo sở thích mỗi khu vực, lúc đó họ có thể xác định mức giá khởi điểm khác nhau và không nên đưa vào trong luật mức giá cụ thể.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, việc đấu giá biển số xe ôtô thực chất là thỏa mãn nhu cầu của người dân về một việc sử dụng biển số xe. Do vậy, việc người dân có ý thích như thế nào thì chúng ta nên đáp ứng nhu cầu cho họ như thế.

"Chúng ta không nên chỉ giới hạn việc chỉ có một quỹ những biển số nào cần được đưa ra đấu giá, mà có thể có những biển số cá nhân này không thích những cá nhân khác lại thích, vì vậy bên cạnh kho số mà ta gọi là đưa đấu giá thì còn lại nên cho người dân được quyền lựa chọn số và khi lựa chọn số thì người đó phải trả một lượng tiền,” đại biểu Cường cho hay.

Đại biểu Quốc hội: Cần mở rộng quyền người trúng đấu giá biển số ôtô ảnh 2Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) tán thành với việc Bộ Công an quy định tất cả các biển số trong kho đều đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, nam đại biểu nêu rõ, có những con số mặc dù đã được đưa ra đấu giá, nhưng không thành công, gửi trả lại kho số để chờ bấm biển. Vì vậy, với những con số này, đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục đem ra đấu giá lại nếu có yêu cầu từ phía người dân…

Nêu quy định tại Điều 3 về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong đó được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ôtô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các quy định có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Làm rõ quy định về cho, tặng, thừa kế

Tại các phiên thảo luận, nội dung về cho, tặng, thừa kế... luôn nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn việc người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp.

Theo đại biểu, sau khi thực hiện thí điểm 3 năm, nhiều xe có thể hết khấu hao, không được phép sử dụng và lưu hành, trong khi người nhận chuyển nhượng biển số theo xe không được chuyển nhượng riêng biển số xe cho người khác cũng không được dùng để đăng ký cho xe của mình. Khi muốn mua xe mới thì chủ sở hữu phải đi đấu giá hoặc đăng ký một biển biển xe khác.

Từ đánh giá này, ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác.

Đại biểu Quốc hội: Cần mở rộng quyền người trúng đấu giá biển số ôtô ảnh 3Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Ở góc độ liên quan, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre), khi chuyển nhượng, cho, tặng thì có thể giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác, nhưng khi để lại thừa thế, tức là người trúng đấu giá đã qua đời thì làm sao có thể giữ lại để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình như dự thảo Nghị quyết quy định. Vì lý do này, đại biểu Nhi đề nghị bỏ trường hợp thừa kế trong quy định này tại dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 quy định về người trúng đấu giá có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá và quá thời hạn mà không đăng ký, cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi biển số trúng đấu giá. Về nội dung này, nữ đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ trong trường hợp thu hồi, người trúng đấu giá có được hoàn lại số tiền đã nộp nay không?

Nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Long An) đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số xe để gắn sang xe khác trong trường hợp xe bị hỏng, bị mất, bị thu hồi.

Bên cạnh đó, cho thừa kế, biển số trúng đấu giá và người thừa kế đăng ký, biển số xe như là tài sản thừa kế, quy định trong trường hợp 12 tháng người trúng đấu giá chết, thực hiện theo quy định pháp luật thừa kế tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015./.

Đại biểu Quốc hội: Cần mở rộng quyền người trúng đấu giá biển số ôtô ảnh 4Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 7/11. (Ảnh: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục