Đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm

Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, thu 27.800 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2025 phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, với 30% khách lưu trú.
Đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm ảnh 1Một góc Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bật nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch An Giang nổi tiếng với du lịch tâm linh viếng Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc), vùng Thất Sơn huyền bí.

Đây là lợi thế nổi trội đưa An Giang trở thành trung tâm "du lịch văn hóa tâm linh" trọng điểm của cả nước.

Tại tỉnh An Giang có 97 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với gần 3.000 phòng, 13 công ty lữ hành quốc tế và nội địa, 15 địa điểm tham quan, trong đó các khu cấp tỉnh là Núi Cấm (huyện Tịnh Biên), Núi Sam (Châu Đốc), Đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư.

Đến cuối tháng 11/2020, An Giang đã thu hút 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh-cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, Khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm).

Thời gian qua, An Giang cũng đầu tư phát triển giao thông phục vụ phát triển du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Sập, Khu du lịch Soài So, cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Cấm, tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh Núi Sam.

Nhiều điểm du lịch, khu dịch vụ công cộng, siêu thị, bến xe trên địa bàn An Giang cung cấp wifi miễn phí, tạo điều kiện để người dân, khách du lịch tra cứu thông tin về điểm đến, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh.

Các khách sạn, nhà nghỉ cũng triển khai phần mềm quản lý khách lưu trú góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội, tạo niềm tin cho du khách đến với An Giang. Một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho du khách.

[An Giang phối hợp với các tỉnh, thành Nam Bộ kích cầu du lịch]

Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, thu 27.800 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2025 phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, với 30% khách lưu trú.

Đến năm 2025, có thêm ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao, có các khu vui chơi, giải trí lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc, phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành du lịch tỉnh theo hướng "du lịch văn hóa tâm linh" trọng điểm của cả nước.

Đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh trọng điểm ảnh 2Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Để đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư nhanh vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn từ 4 sao trở lên; nâng cấp, tu bổ, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, khai thác du lịch văn hóa, tâm linh.

"Ngành du lịch An Giang cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch An Giang; quan tâm đầu tư và đổi mới hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website du lịch An Giang, tuyên truyền rộng rãi về các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, sự khác biệt vùng miền, những địa danh, thắng cảnh, văn hóa ẩm thực miền sông nước nhằm thu hút du khách đến An Giang," ông Hiệp cho biết.

Ngành du lịch tỉnh tập trung tăng cường, xúc tiến quảng bá du lịch đến các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc; tập trung xây dựng hình ảnh và định vị du lịch An Giang là điểm đến "An toàn, thân thiện, hấp dẫn"; tiếp tục thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa An Giang với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tinh Đồng bằng sông Cửu Long.

An Giang cũng tập trung liên kết phát triển tour xuyên biên giới An Giang- Campuchia-Thái Lan-Lào, các nước châu Á tập trung thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi.

Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, An Giang sẽ phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh-sinh thái-nghỉ dưỡng; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp...

Tỉnh cũng tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương để hình thành "Mỗi địa phương là một điểm đến"; làm tốt công tác xúc tiến, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… thu hút và giữ chân du khách.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang khẳng định, thời gian tới, An Giang sẽ tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang; tăng cường liên kết vùng, trong và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; tập trung triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tăng cường công tác giám sát để nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nhằm kịp thời xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư do doanh nghiệp thực hiện.

Bên cạnh phát triển du lịch với các lợi thế sẵn có, ngành du lịch An Giang cũng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch có tiềm năng như du lịch gắn với hoạt động nông nghiệp, du lịch đường sông, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch thể thao giả trí…

An Giang cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm du lịch được quy hoạch, chủ yếu 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng như Khu du lịch Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo-Ba Thế (Thoại Sơn).

Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, resort, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại tại Châu Đốc để khai thác lượng khách du lịch đến lễ Bà Chúa Xứ hàng năm…

Giai đoạn 2016-2020, An Giang đón 38 triệu lượt khách trong và ngoài nước, trong đó, khách quốc tế đạt 405.000 lượt, 4,1 triệu khách lưu trú, doanh thu đạt 21.200 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch đến An Giang năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 6,5 triệu khách, giảm 30% so với cùng kỳ, ước đạt 65% so với kế hoạch với doanh thu ước đạt 4.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 53% so với kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.