Đưa mô hình mỹ thuật cộng đồng vào không gian sống đô thị

Mỹ thuật cộng đồng đã và đang được áp dụng tại nhiều thành phố trên thế giới, tạo được hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện không gian công cộng cũng như không gian sống của con người.
Đoạn tranh Làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao-Bát Tràng trên Con đường gốm sứ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

"Đưa Nghệ thuật vào Không gian sống" là chủ đề chính của hội thảo do Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) và Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) phối hợp với Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) tổ chức ngày 4/9 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, tác giả của dự án nghệ thuật “Con đường gốm sứ” nổi tiếng tại Hà Nội, tại một số quốc gia, Chính phủ đã nỗ lực khuyến khích nghệ thuật công cộng bằng cách quyết định trích phần trăm kinh phí xây dựng những tòa nhà mới cho nghệ thuật công cộng. Trên thực tế, nhiều dự án nghệ thuật đã được triển khai theo mô hình các “mạnh thường quân” tài trợ cho các dự án mà họ yêu thích, hoặc kết hợp giữa chính quyền thành phố và nhân dân.

Bà Thủy cho rằng những hoạt động này tạo nên sự năng động trong đời sống tinh thần của thành phố. Tác phẩm đẹp nơi công cộng cũng mang lại niềm tự hào cho người dân và khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sỹ. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình mỹ thuật cộng đồng còn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, từ chính quyền địa phương, sự sáng tạo, nguồn kinh phí...

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã giới thiệu mô hình mỹ thuật cộng đồng của Xứ sở Kim chi. Bàn về mỹ thuật cộng đồng và mỹ thuật làng, nhà phê bình mỹ thuật Cho Kwan Yong cho biết mỹ thuật cộng đồng là phản ánh cái nhìn của cộng đồng chứ không phải là tác phẩm nghệ thuật được trình bày tại nơi công cộng. Rất nhiều tác phẩm được lắp đặt, bày trí... ở những vị trí công cộng nhưng lại không hướng tới mục đích chung của cộng đồng thì cũng không thể xếp vào mỹ thuật cộng đồng.

Do đó, cần phân biệt rõ mỹ thuật công cộng khác với mỹ thuật cộng đồng ở chỗ ý tưởng và người thực hiện. Trong mỹ thuật cộng đồng bắt buộc phải có cả sự tham gia và đồng thuận của người dân, ông Cho Kwan Yong nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhóm Sân chơi trong phố (Think Playground) đưa ra vấn đề cải tạo sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội bằng nghệ thuật. Đây là một dự án phi lợi nhuận nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sân chơi công cộng và hợp tác xây dựng các sân chơi miễn phí cho trẻ em sinh sống tại thành phố. Các thiết bị vui chơi được sáng tạo từ vật liệu tái chế, chú trọng đến phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ, gắn liền và gần gũi với thiên nhiên.

Mỹ thuật cộng đồng đã và đang được áp dụng tại nhiều thành phố trên thế giới, tạo được hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện không gian công cộng cũng như không gian sống của con người. Đây là những hoạt động nghệ thuật làm đẹp cho không gian sống của cộng đồng với sự tham gia của các thành viên trong chính cộng đồng đó bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau với mục đích hướng tới là nhằm cải tạo không gian sống. Loại hình nghệ thuật này đã được áp dụng ở một số thành phố trên thế giới và tạo ra những hiệu quả tích cực đối với diện mạo đô thị.

Việc khởi động dự án "Đưa Nghệ thuật vào Không gian sống" được tổ chức lần này nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các thành phố, đô thị của Việt Nam đang có mối quan tâm, mong muốn thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục