Từ Con đường gốm sứđến Bảo tàng Mỹ thuật
Họa sĩ Ana Tzarev là nghệ sỹ gốc Croatia. Tranh hoa của bà không xa lạ với người Việt Nam, bởi lẽ trước khi được chiêm ngưỡng những bức tranh gốc, đông đảo công chúng và du khách đã có những xúc cảm mạnh mẽ khi chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của bà trên Con đường gốm sứ, một trong những cửa ngõ của Hà Nội.
Họa sĩ Ana Tzarev đã sống và đi qua nhiều vùng đất trên thế giới và khi dừng chân tại Việt Nam, cảnh sắc tươi đẹp cũng như sự thân thiện của con người Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật của bà.
Trong số những sáng tạo nghệ thuật ấy, không thể không kể đến các bức tranh hoa trên Con đường gốm sứ tại Hà Nội. Đó là một công trình nghệ thuật công cộng nhằm biến dải đê sông Hồng chạy trong nội thành Hà Nội thành bức tranh tường nghệ thuật bằng gốm sứ rực rỡ.
Quý trọng tài năng và tấm lòng của Ana Tzarev, Bảo tàng Mỹ thuật ViệtNam đã mời bà tổ chức triển lãm các bức tranh gốc mà bà đã táihiện trên Con đường gốm sứ nhân dịp con đường này chính thức được khaitrương chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Các tác phẩm này được thể hiện trên chất liệu sơn dầu và bằng những nét vẽ táo bạo, tràn đầy sức sống và năng lượng của Ana Tzarev đã mang đến cho cuộc sống những họa phẩm rực rỡ và đầy màu sắc.
Hoa nói lời yêu!
Với Ana, hoa mang vẻ đẹp thơ mộng, mang đến cảm xúc cho con người, hoa như vị thần kết tinh những gì tinh túy nhất của mỗi vùng đất. Và từ cảm hứng đặc biệt đó, rất nhiều bức tranh của bà đã làm sống lại tinh thần của quốc hoa trên từng vùng đất.
Sắc vàng Hawaii (Gold of Haiwaii, 2005) là một trong những bức tranh như thế với hình ảnh bông hoa râm bụt. Bông hoa râm bụt, một loại hoa tượng trưng cho sự trong sáng và vẻ đẹp tinh khiết của người con gái Hawaii. Loài hoa rực rỡ và quen thuộc này thường được các cô gái Hawaii cài lên tai để ám chỉ việc mình chưa lập gia đình.
Không chỉ tái hiện lại các loài hoa trong tranh vẽ của mình, Ana Tzarev còn muốn lưu lại những bản sắc văn hóa và truyền thống xã hội của các vùng miền thông qua các loài hoa.
Vũ điệu cầu vồng II (Rainbow Dance II, 2005) là một bức tranh đầy ấn tượng khi Ana Tzarev đã thần thoại hóa hình ảnh bông hoa Thiên điểu đang vươn mình hướng về phía ánh sáng. Loài hoa tượng trưng cho tinh thần tự do, sự ưu tú và cởi mở này có nguồn gốc từ Châu Phi, và đã được du nhập vào Châu Âu qua nước Anh vào thế kỷ 18.
Thế giới hoa mà Ana Tzarev tái hiện trên “Con đường gốm sứ” chính là những bông hoa tươi đẹp nhất từ các vùng đất trên thế giới.
Thông qua những hình ảnh hoa rực rỡ này, bà Ana Tzarev muốn gửi bức thông điệp tới người dân và du khách tới Việt Nam: "Hoa là biểu tượng của tình yêu, của niềm vui và hi vọng, của hòa bình và thiện chí cho một tương lai tươi sáng của Hà Nội, thành phố nghìn năm văn hiến.”./.