“Nhạc pop, rap và ‘Truyện Kiều’ mới nghe thì thấy không có gì liên quan đến nhau. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định đưa các ca khúc theo những phong cách hiện đại, trẻ trung này vào vở ‘Kiều’ - tác phẩm sân khấu chuyển thể từ kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du,” đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Anh Tú cho biết.
Theo vị đạo diễn này, hiện nay, phần lớn khán giả đến với sân khấu kịch (cả ở Việt Nam và thế giới) đều thuộc lứa tuổi trung niên. “Chúng tôi muốn góp phần thay đổi thực tế này, kéo giới trẻ đến với sân khấu nhiều hơn. Để làm được điều này, trước hết, sân khấu phải tự đổi mới mình,” nghệ sỹ nhân dân Anh Tú chia sẻ.
Việc đưa âm nhạc đương đại vào vở diễn “Kiều” cũng không nằm ngoài nỗ lực ấy. Trước khi công diễn rộng rãi vào tháng Ba này, từ cuối năm 2016, vở “Kiều” đã được diễn ở một số trường trung học phổ thông tại Hà Nội. Khi buổi diễn kết thúc, nhiều học sinh đã bày tỏ sự thích thú và thuộc lời các ca khúc được sử dụng trong đó.
Đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam - đơn vị dàn dựng vở kịch cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy, khán giả trẻ sẽ không quay lưng với sân khấu truyền thống nếu tác phẩm có nhiều đổi mới, phù hợp với tâm lý tiếp nhận. Cùng với đó, phản hồi tích cực này cũng cho thấy việc đưa âm nhạc đương đại vào một vở kịch được chuyển thể từ một tác phẩm văn học kinh điển (ra đời từ cách đây khoảng hai thế kỷ) là điều không hề khiên cưỡng.
“Hơn nữa, làm sao hy vọng khán giả trẻ sẽ tìm đến rạp khi vở diễn vẫn được dàn dựng theo kiểu truyền thống với những lối bài trí sân khấu từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Lần này, sân khấu của ‘Kiều’ sẽ được tối giản. Những bục, bệ, phông màn theo kiểu cũ sẽ được bỏ đi. Thay vào đó, hoa sen là hình ảnh chủ đạo sẽ được dùng để trang trí, minh họa trên sàn diễn,” đạo diễn Anh Tú nói.
Nói khác đi, hình ảnh hoa sen được sử dụng xuyên suốt vở kịch như một ẩn dụ về thân phận, cuộc đời con người trải qua nhiều giai đoạn: lúc e ấp, khi bung nở cao trào rồi đến giai đoạn tàn khô, héo úa... Thế nhưng, vượt lên tất cả là vẻ đẹp giản dị, thuần khiết và thanh cao.
Bên cạnh những thử nghiệm mới về hình thức biểu diễn, “Kiều” vẫn được giữ nguyên cốt truyện như ở kiệt tác của Nguyễn Du.
“Truyện Kiều” không chỉ là câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến. Tác phẩm còn mang tính dự báo về những cuộc đấu tranh, phản kháng trong xã hội. “Đây là vấn đề mang tính thời sự, vẹn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Những bất công vẫn còn và việc đấu tranh với những điều xấu xa vẫn đang tiếp diễn hàng ngày,” nghệ sỹ nhân dân Anh Tú chia sẻ.
Bởi thế, đạo diễn đã rất quyết liệt khi dàn dựng những màn phản kháng của Thúy Kiều. Đơn cử như cảnh Tú Bà hất tung bát nước và Thúy Kiều cũng không ngần ngại đá phắt chiếc ghế với thái độ, tinh thần phản kháng mạnh mẽ.
Dựng “Kiều,” đạo diễn Anh Tú đã thể hiện góc nhìn nhân văn, cảm thông với nỗi đau các nhân vật, đặc biệt là phụ nữ - kể cả khi đó là nhân vật phản diện. Anh bảo: “Suy cho cùng, tất cả đều là con người với những yêu-ghét, tình-thù… Tú Bà xấu, Tú Bà ác. Phần thiện lương đã không đủ mạnh để neo giữ phần người trong nhân vật này. Thế nhưng, ở một góc khác, đó âu cũng là do hoàn cảnh xô đẩy.”
Lần này, danh hài Xuân Bắc sẽ tái xuất trên sân khấu chính kịch trong vở “Kiều” với vai Hồ Tôn Hiến. Bên cạnh đó, vở diễn có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam: nghệ sỹ Diễm Hương (vai Thúy Kiều), nghệ sỹ Quỳnh Hoa (vai Thúy Vân), nghệ sỹ Tô Dũng (vai Kim Trọng), nghệ sỹ Minh Hiếu (vai Sở Khanh), nghệ sỹ Phương Nga (vai Hoạn Thư)...
“Kiều” sẽ đến với công chúng Thủ đô qua 10 buổi diễn liên tục trong các ngày từ 1-10/3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội)./.