Đưa nông sản, thực phẩm Việt tiến sâu vào thị trường Trung Quốc

Trùng Khánh là thành phố đông dân của Trung Quốc, có nhu cầu tiêu dùng rất lớn với những mặt hàng trái cây, nông sản, thủy sản - những sản phẩm thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Vải thiều Việt Nam là một trong những mặt hàng nông sản được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Vải thiều Việt Nam là một trong những mặt hàng nông sản được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 18/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Trùng Khánh (CCPIT Trùng Khánh) khai mạc Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam-Trung Quốc (Trùng Khánh) 2020.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết những năm gần đây, trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc liên tiếp ở vị trí thị trường lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, hai năm vừa qua, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đều đạt trên ngưỡng 100 tỷ USD.

Riêng 5 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biễn phức tạp, hai nước đã kịp thời trao đổi nhiều biện pháp duy trì thông thương cũng như thực hiện các sáng kiến thúc đẩy giao lưu doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến, đưa tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 44,35 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 15,975 tỷ USD, tăng 17,4% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 28,375 tỷ USD, giảm hơn 5%.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ và trực tiếp với nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc; trong đó, thành phố Trùng Khánh (một trong bốn thành phố lớn trực thuộc Trung ương của Trung Quốc) là đối tác thương mại hết sức quan trọng với Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh nhận thấy vị thế thiết yếu của Trùng Khánh trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngay từ năm 2015, Cục Xúc tiến thương mại đã thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại quận Giang Bắc, thành phố Trùng Khánh.

Văn phòng là địa điểm sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố Trùng Khánh nói riêng và các tỉnh, thành lân cận của Trung Quốc tham gia các hoạt động tại thị trường của nhau, tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài với doanh nghiệp Việt Nam.

Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên, ông Lê Hoàng Tài cũng mời các cơ quan, doanh nghiệp Trùng Khánh tham dự Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) sẽ diễn ra từ ngày 18-21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện do Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp thực hiện.

[Việt Nam-Trung Quốc tìm giải pháp thúc đẩy thông thương hàng nông sản]

Theo ông Lê Hoàng Tài, tại Vietnam Foodexpo, doanh nghiệp Trùng Khánh nói riêng và doanh nghiệp Trung Quốc nói chung sẽ tìm thấy hàng nghìn sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng của hàng trăm doanh nghiệp uy tín Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Tài khẳng định Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam luôn ủng hộ, nỗ lực làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và thành phố Trùng Khánh tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả.

Đồng thời, ông Lê Hoàng Tài bày tỏ mong muốn CCPIT Trùng Khánh sẽ tiếp tục cộng tác, phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến Thương mại thực hiện đa dạng các hoạt động kết nối giao thương, khuyến khích doanh nghiệp hai bên giao lưu, hợp tác thương mại và đầu tư sang nhau.

Ông Đặng Văn Niên, Phó Chủ nhiệm CCPIT Trùng Khánh, đã nhấn mạnh vào tiềm năng hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trùng Khánh.

Theo ông Đặng Văn Niên, Trùng Khánh là thành phố đông dân, có nhu cầu tiêu dùng lớn với những mặt hàng trái cây, nông sản, thủy sản… Đây lại là những sản phẩm thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Không chỉ có nhu cầu lớn, Trùng Khánh hiện còn đang trở thành đầu mối logistics nội địa, là trung tâm vận chuyển hàng hóa phía Đông, Tây của Trung Quốc. Do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trùng Khánh không chỉ phục vụ tiêu dùng của người dân nơi đây mà còn có thể đến các tỉnh lân cận của thành phố này.

Ông Đặng Văn Niên cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác, kinh doanh với thị trường Trùng Khánh.

Tại hội nghị giao thương trực tuyến, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, đã giới thiệu, quảng bá tới các doanh nghiệp Trung Quốc về những sản phẩm nông sản của tỉnh.

Ông Bùi Thế cho biết đến nay hàng nông sản của Lâm Đồng đã được xuất đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có những thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ...

Đối với thị trường Trung Quốc, nhiều sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại thị trường này như càphê, chè, hoa tươi, trái cây, hạt mắcca (bao gồm hàng sơ chế và chế biến). Hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 6 của Lâm Đồng.

Đặc biệt, quả sầu riêng của Lâm Đồng cũng đã có mặt tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện sầu riêng Việt Nam chưa có trong danh mục các trái cây được xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Ông Bùi Thế bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, loại quả thơm ngon này được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Đồng thời, ông Bùi Thế khẳng định Lâm Đồng sẵn sàng tiếp đón đoàn của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Trung Quốc đến thăm, khảo sát, đánh giá vùng trồng để khẳng định độ an toàn, sự thơm ngon của trái sầu riêng Lâm Đồng và tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương.

Sau phiên hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt tham gia vào các phiên giao thương trực tuyến để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Các phiên giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp hai bên sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 19/6/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.