Đức công bố dự luật đoàn tụ gia đình cho người tị nạn gây tranh cãi

Kể từ ngày 1/8 tới, mỗi tháng sẽ chỉ có tối đa 1.000 người di cư được phép định cư tại Đức với điều kiện họ có quan hệ họ hàng trực tiếp với những người tị nạn đang sống và làm việc tại Đức.
Đức công bố dự luật đoàn tụ gia đình cho người tị nạn gây tranh cãi ảnh 1Người tị nạn chờ làm thủ tục bên ngoài văn phòng cơ quan cảnh sát Đức ở Simbach, miền nam Đức năm 2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/6, tại cuộc họp của Chính phủ Liên bang Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã trình bày trước Quốc hội Liên bang dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho người tị nạn sau các cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, dự luật trên quy định, kể từ ngày 1/8 tới, mỗi tháng sẽ chỉ có tối đa 1.000 người di cư được phép định cư tại Đức với điều kiện họ có quan hệ họ hàng trực tiếp với những người tị nạn đang sống và làm việc tại Đức.

Bộ trưởng Seehofer kêu gọi Quốc hội Liên bang tiến hành các cuộc tranh luận đầu tiên về dự luật, xem xét những quy định mới đối với người tị nạn, trong đó tính đến các khía cạnh nhân đạo và lợi ích của những người được hưởng từ dự luật này.

[Chính phủ Đức chi nhiều tỷ euro để viện trợ cho người tị nạn]

Dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho người tị nạn đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các đảng đối lập, trong đó đảng Cảnh tả và đảng Xanh cho rằng các quy định mới là sai trái. Bà Ulla Jelpke, người phát ngôn của nhóm cánh tả tại Quốc hội Liên bang, chỉ trích rằng dự luật này là "tàn nhẫn."

Trong khi đó, bà Luise Amtsbert thuộc đảng Xanh cho rằng mong muốn đoàn tụ của người tị nạn sẽ bị "bế tắc" bởi quy định này.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ liên bang Đức đã bãi bỏ quyền hợp pháp được đoàn tụ gia đình của người tị nạn, theo đó ngăn cản hàng chục nghìn người có thể đoàn tụ với người thân đang sinh sống tại Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.