Theo lãnh đạo Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tránh được “kịch bản xấu nhất” về suy thoái sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, bắt nguồn từ việc Nga cắt nguồn cung khí đốt tới “Lục địa già” - liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Na Uy, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết sau khi Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU) - cắt nguồn cung tới khu vực này kể từ tháng Chín năm ngoái, Đức - quốc gia vốn phụ thuộc phần lớn vào khí đốt của Nga - đã phải “vật lộn” để tìm các nguồn cung ứng khác.
Mỹ và Na Uy trở thành những nguồn mới cung cấp năng lượng cho Đức, mặc dù Đức sẽ phải nhập khí đốt với giá cao hơn.
“Cho đến nay, Đức đã tránh được kịch bản xấu nhất đe dọa xảy ra vào mùa Hè này... đó là suy thoái kinh tế và sự sụp đổ của ngành công nghiệp Đức,” ông Robert Habeck phát biểu tại cuộc họp báo.
Phó Thủ tướng Đức cũng bày tỏ sự lạc quan khi các kho dự trữ khí đốt của nước này vẫn đang được lấp đầy hơn 90% công suất. Ông dự báo Đức “sẽ tồn tại qua mùa Đông” trong lúc giá năng lượng tại nước này đang giảm dần.
Dù cho giá khí đốt có thể tăng trở lại, ông Habeck cho rằng tình hình không quá quan ngại trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào hơn và nguồn cung khí đốt tăng lên.
Đức dự kiến sẽ khánh thành nhà ga đầu tiên để tiếp nhận LNG vào tháng 12 năm nay. Nước này đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc nhập LNG - giống như phần lớn các nước châu Âu đang làm.
“Hiếm khi nào Đức lại quan trọng với Na Uy như hiện nay. Và tôi nghĩ rằng cũng hiếm khi nào Na Uy quan trọng với Đức như hiện nay” - Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết.
[Kinh tế Đức có thể suy thoái "sâu hơn dự báo" trong năm 2023]
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Na Uy đã tăng 8% sản lượng khí đốt vào năm ngoái và trở thành nước cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu.
Na Uy và Đức đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực “xanh,” như pin điện và năng lượng tại tạo, trong khuôn khổ chuyến thăm ngày 5/1 của Phó Thủ tướng Robert Habeck.
Một dự án hydro chung đã được Công ty năng lượng Đức RWE và Tập đoàn dầu khí Na Uy Equinor công bố, với mục tiêu giúp Đức loại bỏ carbon trong quá trình sản xuất năng lượng.
Hai doanh nghiệp hướng tới xây dựng các nhà máy lớn ở Na Uy để sản xuất hydro xanh từ khí tự nhiên, sau đó hydro sẽ được vận chuyển sản phẩm tới Đức qua hệ thống đường ống dẫn khí.
Còn tại Đức, hai doanh nghiệp này dự định sẽ xây dựng các nhà máy điện mới.
Hai doanh nghiệp cũng sẽ cùng phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh mà không phát thải khí CO2, sử dụng để phát điện và cung cấp cho các khách hàng công nghiệp khác tại Đức.
Trong bối cảnh Chính phủ Đức nhắm tới việc loại bỏ tất cả các nhà máy nhiệt điện sử dụng than làm nhiên liệu ra khỏi lưới điện vào năm 2030, Na Uy - nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất ở châu Âu ở thời điểm hiện tại - sẽ là một trong những đối tác hết sức quan trọng để Đức đạt được mục tiêu này.
Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Đức mới đây nhận định tình hình khó khăn trong năm nay sẽ khiến nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái sâu hơn so với các dự báo trước đó.
Phát biểu trước giới truyền thông Đức, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Đức Christian Stitch ngày 31/12 vừa qua cho biết tất cả các dấu hiệu đều cho thấy nền kinh tế Đức sẽ bước vào một cuộc "suy thoái vừa phải" trong nửa đầu năm 2023.
Trước đó, hôm 27/12, Viện Kinh tế Đức công bố kết quả khảo sát cho thấy cứ năm hiệp hội công nghiệp ở nước này thì khoảng ba hiệp hội cho rằng hoạt động sản xuất trong năm nay sẽ giảm tốc do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Theo nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát cho rằng, với lạm phát ở mức cao kỷ lục, nền kinh tế Đức vẫn đang chìm trong tình trạng u ám. Các doanh nghiệp chung quan điểm rằng giá năng lượng sẽ không giảm trở lại như mức trước khủng hoảng trong tương lai gần, và điều này tiềm ẩn rủi ro đối với triển vọng kinh tế Đức năm nay.
Tuy nhiên, chuyên gia ngân hàng Christian Stitch cho rằng nền kinh tế Đức sẽ ổn định trở lại từ đầu mùa Hè tới. Với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Đức, tình hình hiện tại sẽ không nghiêm trọng như những lo ngại vài tuần trước. Tổng thể năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể suy giảm 1%./.