Đức kéo dài thời hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, Quốc hội Đức đã quyết định sửa đổi đạo luật Năng lượng nguyên tử, vốn trước đó chỉ cho phép 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại hoạt động đến ngày 31/12/2022.
Đức kéo dài thời hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, Quốc hội liên bang Đức đã biểu quyết thông qua quyết định cho phép kéo dài hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại theo đề xuất của chính phủ nước này.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện tại, Quốc hội Đức đã quyết định sửa đổi đạo luật Năng lượng nguyên tử, vốn trước đó chỉ cho phép 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này là Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland hoạt động đến ngày 31/12/2022.

Theo quy định sửa đổi, 3 nhà máy này sẽ hoạt động tới ngày 15/4/2023 như đề xuất của Chính phủ Đức. Tuy nhiên, Quốc hội Đức cũng nhấn mạnh rằng sẽ không mua sắm các thanh nhiên liệu mới để cho các nhà máy điện hạt nhân này.

Theo Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng Đức - ông Christian Kühn, quyết định này là không hề dễ dàng.

Chính sách nhất quán của Chính phủ Đức là loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Kéo dài hoạt động của 3 nhà máy còn lại chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

Việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân là vấn đề gây tranh cãi lớn ở Đức trong suốt thời gian qua.

[Đức thông qua dự luật tiếp tục vận hành ba nhà máy điện hạt nhân]

Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải sử dụng quyền của người đứng đầu chính phủ để chấm dứt cuộc tranh cãi ngay trong các thành viên nội các, đặc biệt là giữa đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP).

Sau đó, Chính phủ Đức đã nhất trí trình Quốc hội dự luật cho phép kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân còn lại.

Tuy nhiên, liên đảng Dân chủ cơ đốc giáo/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) chỉ trích rằng thời hạn hoạt động mới đến ngày 15/4/2023 là chưa đủ.

CDU/CSU cho rằng cần phải gia hạn hoạt động của các nhà máy này ít nhất là đến cuối năm 2024 vì cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể còn tiếp diễn lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.