Đức: Liên minh cầm quyền nhất trí gói kích cầu 130 tỷ euro

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết gói kích cầu sẽ bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ cho trẻ em, trợ giúp các thành phố và hỗ trợ cho người mua xe điện.
Đức: Liên minh cầm quyền nhất trí gói kích cầu 130 tỷ euro ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Berlin, Đức ngày 28/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khoảng 20 giờ đám phán căng thẳng, đêm 3/6 theo giờ Đức, những người đứng đầu liên minh cầm quyền trong Chính phủ Đức đã đạt được nhất trí về gói kích cầu trị giá 130 tỷ euro nhằm giải quyết hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, gói kích cầu sẽ được thực hiện trong 2 năm 2020-2021, trong đó Chính phủ liên bang sẽ chi 120 tỷ euro.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết gói kích cầu sẽ bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ cho trẻ em, trợ giúp các thành phố và hỗ trợ cho người mua xe điện.

Cụ thể, từ ngày 1/7-31/12, thuế VAT sẽ được giảm từ 19% xuống còn 16%. Các đối tượng có mức thuế 7% sẽ được giảm xuống còn 5%.

Với các đô thị, chính quyền liên bang và các bang sẽ bù đắp 50% khoản thất thu thuế thương mại trong năm nay và năm sau.

[Chính phủ Đức lên kế hoạch trợ giá cho người mua ôtô mới]

Đối với trẻ em, chính phủ sẽ chi khoản hỗ trợ một lần trị giá 300 euro cho mỗi trẻ. Trong khi đó, các công ty thuộc những ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng cũng sẽ được nhận hàng tỷ euro tiền hỗ trợ từ gói ngân sách trên.

Ngoài các mục trên, liên minh cầm quyền cũng nhất trí sẽ giảm gánh nặng chi phí tiêu thụ điện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng hỗ trợ cho những người mua xe điện ở mức tối đa 6.000 euro/xe.

Gói kích cầu được thông qua trong bối cảnh người dân và nền kinh tế Đức đang chịu ảnh hưởng nặng nề trước những hậu quả của đại dịch COVID-19. Theo bà Merkel, đây là nền tảng tốt để nước Đức thoát khỏi cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.