Ban Quản lý phố cổ Hà Nội vừa tiến hành thí điểm đục thông vòm cầu số 93 (khu vực góc phố Gầm Cầu nối Hàng Giấy) trong số 127 vòm cầu đá nối từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên.
Việc thí điểm này là khởi đầu cho việc triển khai đề án Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Trong quá trình thí điểm, đơn vị thi công đã giải tỏa một hộ kinh doanh ở phía Bắc mặt vòm cầu số 93, đồng thời bó ray nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu phía trên trong quá trình mở thông vòm.
Cuối tuần qua, công tác tháo dỡ phần bịt mặt vòm phía Bắc của vòm số 93 đã được tiến hành. Sau khi mở vòm phía Bắc, việc tháo dỡ mặt phía Nam vòm cầu 93 sẽ được thực hiện sau khi cơ quan chức năng rào chắn phần mặt vòm phía Nam theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết việc lựa chọn vòm cầu số 93 để đục thí điểm do vòm cầu này đại diện cho các thể loại vòm cầu tại đây.
Vòm số 93 bịt hai mặt, phía trong rỗng nên công tác tiến hành đục thông không lâu. Điều quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn cho đường sắt phía trên và an toàn hành lang hai bên cầu do khu vực này sát với nhà dân, mật độ phương tiện đi lại tương đối nhộn nhịp.
[Quán càphê làm bằng vật liệu tái chế trong phố cổ Hà Nội]
Đơn vị thi công tiến hành dọn dẹp vệ sinh, gia cố chống đỡ vòm cũ bằng kết cấu khung vòm thép khi hoàn thành việc đục thông vòm cầu số 93.
Trong quá trình thi công, đơn vị phải xử lý hạng mục thoát nước, chống thấm vòm đá xây cũ, sửa chữa một số hư hỏng phát sinh nếu có khi đục thông vòm cũ, hoàn thiện mặt ngoài vòm đá sau khi đục thông và gia cố.
Sau khi hoàn thiện các công đoạn, Ban Quản lý phố cổ cùng quận Hoàn Kiếm và đơn vị liên quan sẽ tổ chức họp đánh giá hiệu quả đầu tư, trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép tiến hành đục thông các vòm cầu tiếp theo.
127/131 vòm cầu đang bít kín sẽ được đục thông trở lại để phục vụ các mục đích bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ.
Những vòm cầu này, sau khi được đục thông, gia cố bảo đảm các điều kiện, sẽ được khai thác thành các không gian giới thiệu, quảng bá văn hóa nghệ thuật, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống… vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, vừa phù hợp với nhu cầu phát triển chung. Trong đó, không gian vòm cầu 93 dự kiến sẽ dành cho việc giới thiệu, tôn vinh ẩm thực phố cổ.
Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đề xuất khu vực này sau khi hoàn thành sẽ triển khai thành tuyến phố đi bộ, kết nối phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân, không gian bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội với phố bích họa Phùng Hưng.
Khi đó, giá trị văn hóa của khu phố cổ Hà Nội không chỉ được bảo tồn mà sẽ tạo ra điểm đến mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước./.