Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 16/10, Đức và Pháp đạt được một thỏa thuận được cho là đánh dấu một bước ngoặt, tạo cơ sở thành công cho các dự án phát triển vũ khí và trang bị quốc phòng chung giữa hai nước, trong đó có việc chế tạo các xe tăng cũng như các dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận: "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận lớn, ràng buộc về mặt pháp lý đối với việc xuất khẩu vũ khí để có thể hoàn thành đầy đủ các chương trình phát triển chung."
Hai nhà lãnh đạo vừa có cuộc gặp tại thành phố Toulouse của Pháp, nơi đặt trụ sở của tập đoàn sản xuất máy bay và trang bị quốc phòng Airbus, cũng là nơi có một nhà máy lớn thuộc tập đoàn hàng không Dassault Aviation.
[Nhiều nước cân nhắc ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ]
Cả hai tập đoàn này đều tham gia vào chương trình phát triển Hệ thống không chiến tương lai (FCAS), vốn được thiết kế để kết nối các máy bay chiến đấu với các thiết bị bay không người lái, vệ tinh cũng như các máy bay khác, nhằm giúp châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào máy bay cũng như trang thiết bị quân sự của Mỹ.
Mặc dù có những chương trình phát triển chung đầy tham vọng như vậy, nhưng Berlin và Paris có quan điểm khác nhau về việc xuất khẩu vũ khí ra bên ngoài châu Âu.
Xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy việc hoàn thiện các chương trình phát triển vũ khí chung. Một ví dụ tiêu biểu là trong khi Pháp muốn bán các vũ khí và trang bị quân sự cho Saudia Arabia thì ngược lại, Đức đang tạm dừng các chương trình xuất khẩu vũ khí sang nước này sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trong những điều khoản ràng buộc quan trọng tồn tại trước đây là một trong hai nước có quyền dừng bán các vũ khí và trang bị quốc phòng thuộc chương trình phát triển chung trong trường hợp có bất đồng với bên mua nay đã được loại bỏ trong thỏa thuận vừa ký kết.
Bên cạnh vấn đề xuất khẩu vũ khí, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, các quy định mới liên quan đến những nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng Internet, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường liên quan đến thuế carbon - một điểm mấu chốt trong "Hiệp ước xanh" do Chủ tịch đắc cử của Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen thúc đẩy./.