Pháp, Đức nhất trí chiến lược chung đối phó kinh tế toàn cầu giảm tốc

Chiến lược dựa vào 3 trụ cột gồm duy trì giảm nợ công ở nơi cần thiết, như tại Pháp; duy trì theo đuổi những cải cách cấu trúc; và có những chính sách về ngân sách tiếp nối từ chính sách tiền tệ.
Pháp, Đức nhất trí chiến lược chung đối phó kinh tế toàn cầu giảm tốc ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Pháp và Đức đã nhất trí về một chiến lược chung nhằm đối phó với tình trạng giảm tốc kinh tế toàn cầu trong thời điểm xuất hiện những căng thẳng thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã đưa ra thông báo trên tại cuộc họp báo ngày 19/9 bên lề cuộc gặp với các bộ trưởng tài chính và kinh tế của Đức.

Ông cho biết chiến lược này dựa vào ba trụ cột, gồm duy trì giảm nợ công ở nơi cần thiết, như tại Pháp; duy trì theo đuổi những cải cách cấu trúc; và có những chính sách về ngân sách tiếp nối từ chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ông Le Maire cho biết mặc dù có sự đồng thuận về cách tiếp cận, song hai nước vẫn còn thảo luận về khung thời gian thực hiện.

[Mỹ: Fed cắt giảm lãi suất giữa lúc lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc]

Nhấn mạnh tới quan hệ hợp tác kinh tế Pháp-Đức, Bộ trưởng Le Maire cho biết một nhà máy thí điểm tại Pháp sản xuất pin cho ôtô điện sẽ cung cấp các dịch vụ trực tuyến trong năm 2022, hai năm trước khi nhà máy thứ hai khai trương tại Đức. Kế hoạch này là một phần trong dự án nhằm cạnh tranh với sự lớn mạnh của các đối thủ châu Á trong thị trường sản xuất pin.

Đề cập tới những tranh cãi xung quanh việc trợ cấp giữa hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Airbus, ông Le Maire cho biết Paris và Berlin đều hy vọng về một giải pháp mang tính hòa giải dù thừa nhận EU có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông cũng khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Suốt hơn 13 năm qua, Mỹ và EU cáo buộc lẫn nhau trợ cấp không công bằng cho hai hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Đây là cuộc tranh cãi phức tạp nhất mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phải xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.