Dùng xăng hun chuột đồng, một bệnh nhi cấp cứu vì bỏng nặng

Chiều 12/4, thạc sỹ, bác sỹ Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Khoa Bỏng-ạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa cấp cứu một trường hợp bỏng xăng do đốt chuột đồng.
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Chiều 12/4, thạc sỹ, bác sỹ Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Khoa Bỏng-Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa cấp cứu một trường hợp bỏng xăng do đốt chuột đồng.

Bệnh nhi Kim T, 14 tuổi, ngụ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 30/3 vừa qua trong tình trạng bỏng nặng, toàn thân phù nề, vết bỏng lan khá rộng, chiếm 31% cơ thể gồm toàn bộ hai cánh tay và phần thân trên; trong đó nghiêm trọng nhất là hai cánh tay, có nơi vết bỏng sâu độ 2 - độ 3.

Nhận thấy bệnh nhi có dấu hiệu nhiễm trùng, các bác sỹ đã điều trị bằng kháng sinh, sau đó tiến hành phẫu thuật cắt lọc ghép da.

Tuy nhiên, do vết bỏng lan rộng, dự kiến, các bác sỹ sẽ phải tiến hành ghép da thêm 3-4 lần nữa.

“Dù sau này có điều trị khỏi nhưng các vùng da ở các khớp ngón tay và khuỷu tay của bệnh nhi sẽ bị co rút, ảnh hưởng rất lớn đến chức năng vận động sau này,” bác sỹ Thanh Thúy cho biết thêm.

Theo lời kể của chị Kim Thị S, mẹ của bé Kim T, ngày 29/3 vừa qua, Kim T ghé nhà chú chơi đúng lúc đứa em họ 13 tuổi đang dùng rơm để đốt hun chuột đồng.

Do rơm bị ướt, ngọn lửa cháy quá nhỏ, em họ của Kim T đã lấy can xăng tưới vào, bất ngờ lửa bùng lên.

Theo phản xạ, em họ Kim T hất văng can xăng đang cầm trên tay nhưng không ngờ trúng vào người Kim T và em bị ngọn lửa bén vào người.

Quá hoảng sợ, Kim T nhảy xuống mương nước gần đó để lửa tắt và sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Do mức độ bỏng quá nghiêm trọng, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Kim Thị S cho biết ở Trà Vinh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, vào thời điểm này trong năm, người dân vẫn có tập quán dùng rơm hun chuột đồng, thỉnh thoảng có người sử dụng xăng, dầu để làm mồi đốt nhưng không ngờ con chị lại gặp tai nạn do tập quán này.

Do vậy, các bác sỹ khuyến cáo người dân không nên dùng các nhiên liệu như xăng, dầu, cồn để làm mồi đốt bởi các nhiên liệu này dễ bùng thành ngọn lửa lớn, rất nguy hiểm, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng không lường trước được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục