Giá đường thô trên sàn giao dịch ICE đóng cửa với bốn phiên tăng liên tiếp trong ngày 2/6 nhờ giá dầu tăng lên và những lo ngại về tình trạng dư cung giảm xuống.
Giá đường giao tháng 7/2020 đã tăng 0,22 xu Mỹ (2%) lên 11,22 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454kg) nhờ tâm lý lạc quan khi ngày càng có nhiều nước nới lỏng cách biện pháp phong tỏa để khôi phục các hoạt động kinh tế.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo nguồn cung đường toàn cầu sẽ thiếu hụt 9,3 triệu tấn trong niên vụ 2019 -2020. Giá đường trắng giao tháng 8/2020 tăng 5,2 USD (1,4%) lên 370 USD/tấn.
Giá càphê tiếp tục đà tăng
Giá càphê Arabica giao tháng 7/2020 tăng 0,75 xu Mỹ lên 98,9 xu Mỹ/lb sau khi chạm mức thấp nhất của bảy tháng hôm 1/6. Càphê Arabica vẫn chịu sức ép do đồn đoán về sản lượng đạt gần mức kỷ lục của Brazil và những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu.
[Giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên mức cao nhất trong 8 năm]
Trong khi đó, giá càphê Robusta giao tháng 7/2020 tăng 37 USD lên 1.233 USD/tấn. Xuất khẩu hạt càphê robusta Sumatran của tỉnh Lampung (Indonesia) trong tháng 5/2020 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong phiên 5/6, với giá ngô tăng, giá lúa mỳ giảm còn giá đậu tương không đổi.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2020 tăng 2,25 xu Mỹ (tương đương 0,68%) lên 3,3125 USD/bushel khi đóng cửa. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 7/2020 chốt phiên với mức giảm 8,5 xu Mỹ (1,62%) xuống còn 5,1525 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao cùng kỳ hạn không đổi ở mức 8,6775 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg, 1 bushel ngô = 25,4kg)
Các thương nhân trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua 5.100 hợp đồng ngô và 1.200 hợp đồng đậu tương, trong khi bán ra 3.200 hợp đồng lúa mỳ.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thông báo khoảng 588.000 tấn đậu tương Mỹ đã được bán cho một người mua không xác định danh tính./.