Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu giám sát lượng nhôm nhập khẩu để xác định liệu các mức thuế mới của Mỹ có làm tăng xuất khẩu mặt hàng này vào châu Âu hay không và từ đó quyết định có đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu hay không.
Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế lần lượt 10% và 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu với lý do bảo đảm an ninh quốc gia.
Hiện EU và sáu nước khác được tạm miễn áp dụng các mức thuế này. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho rằng mức thuế mới của Mỹ làm tăng nguy cơ lượng lớn hơn các sản phẩm nhôm sẽ "chuyển hướng" sang thị trường châu Âu với các mức giá thấp hơn.
Số liệu của EU cho thấy nhập khẩu sản phẩm nhôm vào khối này tăng 28% trong giai đoạn từ năm 2013-2017, trong khi giá các mặt hàng này hạ 5%.
Tình trạng dư thừa nguồn cung bắt đầu gia tăng mạnh kể từ đầu những năm 2000, với phần lớn công suất mới từ Trung Quốc. Hiện EU chỉ có 16 cơ sở nấu chảy kim loại đang hoạt động, so với con số 26 cơ sở năm 2008.
[EU yêu cầu tham gia các cuộc tham vấn giữa Trung Quốc và Mỹ tại WTO]
EU muốn tham gia các cuộc tham vấn tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn được Trung Quốc đề nghị với Mỹ, liên quan tới quyết định của Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu.
Trong một diễn biến khác, các quy định mới của EU chống lại các nước bán phá giá vào thị trường EU đã vấp phải sự phản đối gay gắt tại WTO.
EU hiện đang trong một cuộc tranh cãi lớn với Trung Quốc về việc định giá không công bằng và tháng 12/2017, khối này đã đưa ra các quy định cho phép tính đến "sự thao túng đáng kể" về giá, do sự can thiệp của chính phủ gây ra.
EU hy vọng quy định mới sẽ giúp bảo vệ các thị trường của mình khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc trong khi tránh bị Trung Quốc kiện lên WTO.
Trong cuộc họp của ủy ban chống bán phá giá của WTO ngày 26/4, Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia đã mở màn một làn sóng phản đối quy định này.
Một quan chức thương mại của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh lo ngại sâu sắc về phương pháp mới của EU, cho rằng điều này sẽ phá hỏng hệ thống chống bán phá giá của WTO và khiến các nhà xuất khẩu rơi vào tình trạng ngày càng bấp bênh.
Quan chức này khẳng định khái niệm "thao túng đáng kể" không tồn tại trong các quy định của WTO, đồng thời cho rằng các cuộc điều tra bán phá giá của EU nên dựa vào giá cả nội địa tại các nước xuất khẩu như Trung Quốc.
Cũng tại phiên họp của ủy ban trên, Saudi Arabia cho biết các quy định mới rất đáng lo ngại, đồng thời đề nghị EU giải thích xem làm thế nào các cơ quan của EU có thể đảm bảo đánh giá công bằng và khách quan về sự "thao túng đáng kể."
Về phần mình, Nga cho rằng các quy định của EU vi phạm các quy định của WTO và một số mặt còn chưa rõ và gây ra tình trạng bất trắc lớn đối với các nhà xuất khẩu. Bahrain, Argentina, Kazakhstan và Oman cũng bày tỏ lo ngại tương tự.
Tuy nhiên, theo một quan chức thương mại của Mỹ, cuộc thảo luận trên cho thấy WTO có các công cụ phù hợp để xử lý tình trạng thao túng ảnh hưởng đến thương mại quốc tế./.