EU cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ tạm thời điều chỉnh các quy định về trợ cấp của liên minh để đẩy nhanh và đơn giản hóa việc cấp phép sản xuất năng lượng sạch.
EU cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới. (Ảnh: Reuters)

Ngày 17/1, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng sạch mới để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo Chủ tịch EC, kế hoạch Thỏa thuận xanh (Green Deal) trong lĩnh vực công nghiệp của EU được xây dựng nhằm biến châu Âu trở thành một trung tâm công nghệ sạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời ngăn chặn năng lực công nghiệp của EU chuyển sang Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác.

EU hiện đang lo ngại các công ty công nghệ xanh của châu Âu sẽ chuyển sang Mỹ sau khi quốc gia này thông qua kế hoạch trị giá 369 tỷ USD để trợ cấp cho sản xuất xanh vào mùa hè năm ngoái.

Ngoài ra, nguồn đất hiếm phục vụ cho các công nghệ then chốt của châu Âu như sản xuất năng lượng gió, lưu trữ hydro hoặc pin hiện phụ thuộc 98% vào Trung Quốc và điều này đang ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của EU.

Vì vậy, các quốc gia EU cần cải thiện quá trình tinh chế, xử lý và tái chế nguyên liệu thô ở châu Âu… mà không tạo ra sự phụ thuộc mới.

[IEA: Thế giới tiêu thụ mức kỷ lục hơn 8 tỷ tấn than trong năm 2022]

Bà Von der Leyen cũng cho biết EU sẽ tạm thời điều chỉnh các quy định về trợ cấp của liên minh để đẩy nhanh và đơn giản hóa việc cấp phép sản xuất năng lượng sạch.

EU cũng đang xây dựng Đạo luật Công nghiệp cân bằng phát thải (Net-Zero Industry Act) mới như một phần trong kế hoạch Thỏa thuận xanh.

Đạo luật này sẽ tập trung các khoản đầu tư vào các dự án dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, như đơn giản hóa và cấp phép theo dõi nhanh cho các địa điểm sản xuất công nghệ sạch mới.

Một quỹ châu Âu cũng sẽ được thành lập để đánh giá ngân sách. Quỹ này sẽ được sử dụng để tránh tác động phân mảnh ở các thị trường đơn lẻ, điều có thể xảy ra khi chính phủ các quốc gia tạo ra các chế độ trợ cấp riêng, và để hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ sạch trong toàn khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.