EU hối thúc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép dư thừa

Ủy viên Thương mại EU hối thúc Trung Quốc thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hạn chế tình trạng dư thừa trong ngành sản xuất thép, cũng như các yếu tố khác khiến tình hình trầm trọng hơn.
EU hối thúc Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép dư thừa ảnh 1Kiểm tra ống thép inox chất lượng cao tại nhà máy ở huyện Ganyu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trung Quốc cần hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa trong ngành sản xuất thép vì điều này đang khiến các doanh nghiệp châu Âu bị thiệt hại do giá cả xuống thấp.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành công bố ngày 5/2, Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom hối thúc Bắc Kinh thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hạn chế tình trạng dư thừa trong ngành sản xuất thép, cũng như các yếu tố khác khiến tình hình trầm trọng hơn.

Bà Malmstrom cũng cảnh báo Trung Quốc về các cuộc điều tra bán phá giá mới của EU đối với các sản phẩm của nước này.

Theo bà Malmstrom, việc sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng 50% trong năm 2015 đã khiến thị trường thép toàn cầu và châu Âu mất ổn định.

Bức thư được công bố ngay sau khi Bắc Kinh ngày 4/2 đưa ra các kế hoạch cắt giảm tối đa 150 triệu tấn thép trong vòng năm năm tới. Tuy nhiên, lượng cắt giảm này còn kém xa so với mức dư thừa mỗi năm của nước này mà các chuyên gia tính toán là khoảng 340 triệu tấn.

Trung Quốc sản xuất tới một nửa sản lượng thép thô toàn thế giới tuy nhiên trong tình trạng nền kinh tế chững lại hiện nay, Trung Quốc không thể tiêu thụ phần lớn sản lượng trên như trước.

Trong bối cảnh các nhà sản xuất châu Âu đang cố tháo gỡ tình trạng dư thừa nguồn cung thép toàn cầu, hãng thép ArcelorMittal có trụ sở tại Luxembourg ngày 5/2 cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra thiệt hại tới 8 tỷ USD trong năm 2015 và hàng nghìn nhân công ngành này bị mất việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.