EU hy vọng cuộc bầu cử tại Mỹ không ảnh hưởng đàm phán TTIP

Cả EU và Mỹ đều đang nỗ lực đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ.
EU hy vọng cuộc bầu cử tại Mỹ không ảnh hưởng đàm phán TTIP ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh chính trường Mỹ đang bị cuốn vào các chiến dịch vận động tranh cử chức Tổng thống Mỹ năm 2016, ngày 9/3, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstroem cho rằng không nên để cuộc bầu cử tại nước này ảnh hưởng và làm trì trệ tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ.

Phát biểu trong một cuộc họp về TTIP với Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tại Washington, Ủy viên Malmstroem nhấn mạnh các cuộc đàm phán về hiệp định trên cần được tiếp tục với mục tiêu đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Theo bà Malmstroem, EU không muốn thu hẹp phạm vi đàm phán nhằm đẩy nhanh việc đạt được thỏa thuận, cho rằng việc bỏ qua một số vấn đề cụ thể có thể khiến hiệp định này thậm chí khó có thể được thông qua tại nghị viện châu Âu cũng như giành được sự ủng hộ của các nước thành viên.

Trước đó, vòng đàm phán 12 về TTIP đã diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ từ ngày 22-26/2 với nhiều tiến bộ đạt được, trong đó tập trung vào hợp tác về quy chế và quy tắc thương mại toàn cầu - hai trụ cột kỹ thuật chính và phức tạp nhất trong vòng đàm phán.

Hiện cả EU và Mỹ đều đang nỗ lực đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ.

Một số ứng cử viên đang nỗ lực giành tấm vé đại diện của đảng Cộng hòa và Dân chủ ra tranh chức Tổng thống Mỹ đã lên tiếng phản đối thỏa thuận trên cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận đã được ký kết song chưa nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Các ý kiến chỉ trích cho rằng các thỏa thuận trên sẽ làm mất đi công ăn việc làm của người lao động Mỹ.

Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó có Cơ chế Giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư.

Một số ý kiến tại châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của châu lục này. Hồi tháng 7 năm ngoái, EU đã chấp thuận việc thành lập một tòa án châu Âu mới để xem xét mọi tranh cãi nảy sinh xung quanh tất cả các hiệp định thương mại, và mở đường nối lại đàm phán về TTIP giữa EU và Mỹ sau một thời gian dài trì hoãn.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu.

Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.

EU và Mỹ hy vọng sẽ đạt được TTIP vào năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.