EU nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia Eurozone

Liên minh châu Âu (EU) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia thuộc Eurozone, bất chấp viễn cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế Hy Lạp.
EU nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia Eurozone ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bellenews.com)

Ngày 5/5, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bất chấp viễn cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế Hy Lạp.

Trong bản dự báo mùa Xuân vừa công bố, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng cho Eurozone trong năm 2015 là 1,5%, tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng Hai. EC cũng dự báo năm 2016, kinh tế của khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9%.

Các yếu tố tích cực chính dẫn đến tăng trưởng là giá dầu thấp, triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định, đồng euro yếu và gói kích thích tiền tệ 1.100 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cùng việc áp dụng các chính sách ngân sách bớt ngặt nghèo hơn.

Theo EC, nền kinh tế Đức tiếp tục đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự hồi phục trong toàn khu vực, với dự báo tăng trưởng 1,9% trong năm 2015 và 2% trong năm 2016. Tiếp theo là Tây Ban Nha với dự báo tăng trưởng 2,8% trong năm 2015 và 2,6% trong năm 2016.

Trong toàn cảnh khởi sắc của Eurozone, Hy Lạp vẫn là một điểm tối. Việc chậm trễ và tìm cách trì hoãn thực hiện những cải cách để đổi lấy cứu trợ từ EU có thể khiến Athens không nhận được 7,2 tỷ euro kịp thời để tránh khả năng phá sản và rút khỏi Eurozone.

Trong báo cáo mới của EU, tốc độ tăng trưởng của Hy Lạp được dự báo ở mức 0,5% trong năm 2015, giảm đúng 2% so với dự báo ba tháng trước. Tuy nhiên, EU không đánh mất lạc quan về nền kinh tế của quốc gia thành viên này khi đưa ra con số tăng trưởng dự báo 2,9% trong năm 2016.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici đánh giá nền kinh tế EU đang có một mùa Xuân rực rỡ nhất kể từ nhiều năm qua nhờ các nhân tố nội tại, cũng như các biện pháp kích cầu kịp thời, song vẫn cần duy trì các nỗ lực để đảm bảo sự hồi phục bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.